---

dailyvideo

Tổng số lượt xem trang

HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM


Ðạo Tin Lành được Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (The Christian and Missionary Alliance) khởi xướng, truyền vào Việt Nam từ năm 1893 nhưng mãi đến đầu thế kỷ thứ 20 công cuộc truyền giáo mới bắt đầu đem lại kết quả. Mùa Xuân năm 1911, Giáo sĩ R. A Jaffray mở một kỷ nguyên mới cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam. Ông cùng hai giáo sĩ Paul M. Hosler và G. Lloyd Hugher đến hải cảng Tourane (Ðà Nẵng) Trung Phần Việt Nam. Họ được ông Bonnet, thuộc Thánh Kinh Hội Anh Quốc nhường lại cơ sở góc đường Khải Ðịnh và Nguyễn Hoàng để làm trụ sở Truyền Giáo. Ðây là cơ sở đầu tiên của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Việt Nam. Ðến năm 1914 có 9 giáo sĩ đến hầu việc Chúa tại Việt Nam (1 Anh, 2 Na-uy, 4 Canada và 2 Mỹ). Nhờ nỗ lực truyền giáo của các giáo sĩ, tín đồ Tin lành được mỗi ngày một thêm lên.
Nhận thấy cần phải thống nhất các hoạt động của Hội Thánh, năm 1924, Hội Ðồng đầu tiên của Hội Thánh được tổ chức, lần thứ nhì năm 1925 và lần thứ ba năm 1926. Cả ba lần đều nhóm tại Ðà Nẵng. Hội Ðồng Tổng Liên Hội ngày 26/6/1928 đã thông qua bản Ðiều Lệ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Cũng trong năm này Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã trình bản Ðiều Lệ cho nhà cầm quyền để xin được công nhận, nhưng mãi đến ngày 19/1/1942 nhà Toàn Quyền Decoux mới ký văn thư công nhận. 
Trong khoảng thời gian này, tại Hà-Nội, Hội Truyền Giáo hiệp với Thánh Kinh Hội lập một ban phiên dịch Kinh Thánh, có nhà văn Phan Khôi cộng tác với Giáo sĩ Cadman. Một ban khác phiên dịch Thánh Ca Anh, Pháp ra tiếng Việt, mặc dầu chưa có dấu nhạc. Tại Hải Phòng nhóm tín đồ người Hoa hiệp tác với một ít tín hữu người Việt thành lập Hội nhánh Hải Dương. Tại Ðà Nẵng, nhà nguyện đầu tiên được dựng lên năm 1913. Cụ Mục Sư Hoàng Trọng Thừa tin Chúa năm 1915 khởi công gây dựng công việc Chúa với các Giáo sĩ và vài năm sau có đến hàng ngàn người tin Chúa ở khắp các vùng chung quanh Ðà Nẵng. 
Năm 1917-1918, có thêm 6 Giáo sĩ được phái đến miền Nam để mở rộng tầm hoạt động ở Nam kỳ. Ðạo Chúa phát triển trước hết tại Mỹ Tho, rồi lan sang Tân Thạch, Cao Lãnh, Cần Thơ, Châu Ðốc, rồi xuống dần tận Cà Mau. Về sau tại Sàigòn chi hội đầu tiên được thành lập, ngày nay là chi hội Tin Lành Trần Hưng Ðạo. 
Năm 1918 Lớp Kinh Thánh đầu tiên được bắt đầu tại nhà xe phía sau nhà thờ Ðà Nẵng. Năm 1921 Trường Kinh Thánh Ðà Nẵng được chính thức thành lập và Giáo
Sĩ Jeffrey làm Ðốc Học. 
Năm 1926, Kinh Thánh toàn bộ đã được xuất bản mà đến nay vẫn còn đang được sử dụng. 
Ðến năm 1928 trường Kinh Thánh Ðà Nẵng đã có cơ sở đủ cho 90 học viên cư trú. Ban Giảng huấn gồm có bốn Giáo sĩ và ba Giáo sư Việt Nam. Ðợt học viên tốt nghiệp đầu tiên vào năm 1927. Năm này cũng là năm Ðại Hội Ðồng Tổng Liên được triệu tập tại Ðà Nẵng và Giáo Hội Tin Lành Việt Nam được thành lập dựa trên ba nguyên tắc là tự lập, tự trị và tự dưỡng. Sau 16 năm, Giáo Hội Tin Lành Việt Nam có khoảng 5,000 tín hữu trên 3 vùng Bắc, Trung và Nam kỳ. 
Ban Trị Sự Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam do Mục Sư Hội Trưởng và bốn thành viên Chủ nhiệm ba Ðịa Hạt Bắc, Trung, Nam. Mỗi Ðịa Hạt có Ban Trị Sự Ðịa Hạt gồm Mục sư Chủ Nhiệm và bốn thành viên phụ trách. Ðơn vị là Chi Hội do Ban Tri Sự Chi Hội gồm Mục Sư hay Truyền Ðạo Chủ Tọa và bốn thành viên cùng các chấp sự chăm sóc. 
Năm 1928, Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp thành lập Trung Tâm Huấn Luyện tại Ðà-lạt dành cho các con của các nhà truyền giáo làm việc tại Ðông Dương, Thái Lan, Nam Dương và Hồng Kông. 
Năm 1930 Hội Truyền giáo lập nhà in tại Hà Nội để in Kinh Thánh, các sách giải nghĩa Kinh Thánh, Thánh Ca, bài học Trường Chúa Nhật và truyền đạo đơn. 
Năm 1931, tại Cần Thơ một chiếc tàu mang tên Tin Lành do Mục Sư Huỳnh văn Ngà cùng ban chứng đạo gồm hai, ba người đi các vùng sông rạch của tỉnh Kiên Giang, Minh Hải và một phần tỉnh Hậu Giang giảng Tin Lành. Vì chiến tranh nên tàu Tin Lành không hoạt động được nữa. Vào năm 1958 một tàu Tin Lành khác được lập tại Vĩnh Long nhưng không có người điều khiển nên chỉ hoạt động một thời gian ngắn. 
Năm 1933, tại Cần Thơ có một tín đồ dâng một xe hơi củ làm phương tiện truyền giảng trên bộ. Về sau có xe truyền giảng Tin Lành tại Ðà nẵng, Nha Trang và Sài-gòn. 
Năm 1935 Hội Thánh Tin Lành Việt Nam có 35 Mục sư, 85 Truyền Ðạo và thầy giảng tại 63 chi hội. Sau sắc lệnh ký ngày 5/12/1929 tại Huế, Ðạo Tin Lành được truyền giảng tại những vùng bị cấm như Huế, Qui Nhơn, Thanh Hóa, Nam Ðịnh. 
Ðồng thời với sự phát triển ở vùng Kinh, từ năm 1932 Ðạo Chúa được truyền bá tại những vùng thượng du như Lạng Sơn, Hòa Bình, Ðà-lạt, Di Linh, Ban Mê Thuột, Khe Sanh, An Ðiềm, Pleiku, Ban Mê Thuột, Phú Bổn, Quảng Ðức, Ðà-lạt rồi đến Phước Long, Bình Long. Năm 1950 vùng Nam Trường sơn và Tây Cao Nguyên Trung Phần đứng thành địa hạt riêng, Thượng Hạt với Ban Trị Sự riêng hoạt động cùng với Ban Truyền Giáo sắc tộc người Kinh. Theo tiêu chuẩn phân chia của các nhà dân tộc học, nước Việt Nam có khoảng 54 dân tộc. Trong đó vùng Nam Trường Sơn và Tây Nguyên có 24 dân tộc và có đến 20 sắc dân thiểu số được trực tiếp truyền bá Tin Lành. 
Năm 1938 theo khai trình, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam có 9,642 tín-đồ chánh thức, 975 chờ chịu lễ báp têm. 
Vì cuộc thế chiến, nhà in Tin Lành tại Hà Nội đã phải bán đi năm 1943. Sau đó được tái lập tại Ðà-lạt, rồi dời xuống Sài gòn tại đường Cô Bắc và cuối cùng là vào năm 1970 tại 30 Huỳnh Quang Tiên nay là Hồ Hảo Hớn. 
Sau Thế Chiến thứ II, 1939-1945 ngày 20/7/1954 nước Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17. Hội Thánh miền Bắc ở trong chừng mực nhất định. Hội Thánh Miền Nam hoạt động tự do và phát triển. 
Năm 1959, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã cổ động ân nhân trong và ngoài nước giúp đỡ xây Thánh Kinh Thần Học Viện tại Nha Trang có đủ tiện nghi cho 200 học sinh và sinh viên nội trú. 
Năm 1967, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã phát động phong trào Truyền Ðạo Sâu Rộng. Một ủy ban được thành lập để đôn đốc và hướng dẫn Hội Thánh theo khẩu hiệu "Tất cả cho người chưa được cứu" 
Năm 1968 theo thống kê, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ở nam vĩ tuyến 17 có 334 chi hội, 131 Mục Sư , 151 Truyền Ðạo, 68 Truyền Ðạo Sinh, chăm sóc khoảng 50,000 tín đồ chính thức, 250,000 chưa chính thức. Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp có 96 Giáo sĩ cộng tác và yểm trợ. 
Các cơ sở chính của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trước năm 1975 gồm có Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang, hai trường Kinh Thánh sắc tộc ở Ðà-lạt và Ban Mê Thuột, Trường Ðà-lạt cho các con Giáo sĩ khu vực Ðông Nam Á, Cô Nhi Viện Hòn chồng Nha Trang, Cô Nhi Viện Phú Thọ Hòa, bệnh viện phung Eana Ban Mê Thuột, các trạm y tế từ thiện, nhà in Tin Lành Sài-gòn, các trường Trung Tiểu học Tin Lành, Thánh Kinh Nguyệt San, Tạp Chí Truyền Giáo, Tạp Chí Rạng Ðông và phòng sách Tin Lành tại An Ðông. 
Hiện nay số tín hữu ở Việt Nam có khoảng 800,000 ngàn người và theo thống kê của nhà nước có đến 2. 2 triệu. Số Mục sư, Truyền Ðạo chính thức là 273 người, 119 người bán chính thức, 1,500 người không chính thức hoạt động tại 282 nhà thờ chính thức, 253 nhà nguyện bán chính thức, 1500 chỗ nhóm lại không chính thức. 
Nhìn lại quá trình của 90 năm qua, chúng ta cúi đầu dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi lời ngợi khen vì đã đoái thương dân tộc Việt Nam, đã dùng Hội Truyền Giáo The Christian and Missionary Alliance đem Tin Lành cứu rỗi đến cho dân tộc Việt Nam chúng ta để từ đó ánh sáng của sự sống chiếu rọi vào đời sống của biết bao người, biến đổi họ, thánh hóa và ban cho họ kinh nghiệm được quyền năng tái tạo một cuộc đời mới. Từ đó, dầu cuộc thế đổi thay, chiến tranh ly tán, người tín hữu Tin Lành vẫn giữ vững niềm tin, sống theo lời dạy của Chúa để lúc nào cũng là "muối của đất, và ánh sáng cho trần gian" 
Năm 1975 đã đưa hàng ngàn Mục Sư và tín hữu Tin Lành ra khỏi quê hương thân yêu tản lạc khắp nơi trên thế giới. Cảm tạ ơn Chúa, nhờ hột giống tốt được gieo rắc trong tâm điền tốt cho nên đã mọc lên bông trái thuộc linh khắp nơi trên thế giới. Ðặc biệt Giáo Hạt Việt Nam tại Hoa Kỳ sau 33 năm thành lập có 94 Hội Thánh và hơn 12 ngàn tín hữu Tin Lành. 
Nhìn tương lai, các tôi con Chúa thuộc Giáo Hạt Việt Nam Hoa kỳ luôn dâng lời tạ ơn Chúa vì thừa hưởng một di sản quý báu từ các ông cha thuộc linh để lại. Gia tài giàu có tâm linh đó chúng ta chẳng những biết ơn ghi nhận và nhờ ơn Chúa cố công xây đắp để mỗi ngày một rạng rỡ hơn. 

0


Theo dõi: Blogspot | Facebook | Twitter | Google+

Đăng bởi Tin Lanh Mennonite on 05:17. Chuyên Mục , . Chào mừng quí vị đã đến với Blog's của David Nguyễn. Nếu thấy nội dung blog's có ích cho quí vị xin vui lòng chia sẻ nó cho những người khác. Xin chân thành cảm ơn! Davidnguyen. Mọi thắc mắc, góp ý xây dựng xin liên hệ! tại đây.

0 nhận xét for HỘI THÁNH TIN LÀNH VIỆT NAM

Đăng một nhận xét

BÀI MỚI

NHẬN XÉT MỚI

MEDIA

TIN TỨC

...

LÊN ĐẦU TRANG