---

dailyvideo

Tổng số lượt xem trang

GA-LA-TI phần ba, chương ba.

Thư Ga-la-ti đã dùng Cựu-ước để phát lộ kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời không có chỗ cho việc làm của luật pháp.  Sứ đồ Phao-lô được Thần cảm bởi Thiên Chúa nên ông mạnh mẽ trích dẫn Kinh thánh Cựu-ước để cho mọi tín nhân Cơ-đốc thấy rõ vấn đề nghiêm trọng:  Nếu sự cứu rỗi không cần đến luật pháp, tại sao luật pháp được ban cho trước nhất?  Tạ ơn Thiên Chúa! Ngợi khen Ngài! Ngài đã dùng Phao-lô để ông có thể giải đáp thắc mắc nầy với sự trích dẫn luật pháp để chứng tỏ sự vô nghĩa của luật pháp(dĩ nhiên không chỉ riêng thư tín Ga-la-ti mả tất cả trong Kinh thánh kể cả những trước giả khác ngoài Phao-lô…, bài học hôm nay sẽ dẫn chứng cụ thể).  Nếu luật pháp không bị bác bỏ, thì chính những lập luận của Phao-lô và phần lớn các thư tín trong Tân-ước không có giá trị, vì những cá nhân hay Phao-lô lập luận từ luật pháp.
    Đức tin đặc trọn vẹn nơi chính ân điển Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta là đức tin hợp lý!: Và chân lý nầy sẽ binh vực đức tin trên lẽ thật Thiên Chúa.  Đức tin nơi “Ngôi Lời sự sống”(1Giăng 1:1) được sứ đồ Giăng nói rằng: ” Điều vẫn có từ ban đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã sờ về Ngôi Lời sự sống.  Vì sự sống đã xuất hiện, chúng tôi đã thấy và làm chứng về sự sống ấy. Chúng tôi loan báo cho anh chị em sự sống vĩnh phúc vốn ở với Chúa Cha và đã xuất hiện cho chúng tôi thấy.  Điều chúng tôi đã thấy và nghe, chúng tôi loan báo cho anh chị em để anh chị em cũng được thông công với chúng tôi. Và sự thông công của chúng tôi là với Đức     Cha và với Con Ngài, Chúa Giê-su Chúng tôi viết điều này để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn.Đức Chúa Trời Là Sự Sáng.  Đây là lời chúng tôi đã nghe từ Ngài và chúng tôi loan truyền cho anh chị em rằng: Đức Chúa Trời là ánh sáng; trong Ngài không hề có một chút tối tăm nào.  Nếu chúng ta nói mình được thông công với Ngài mà vẫn sống trong tối tăm, chúng ta nói dối và không làm theo chân lý.  Nhưng nếu chúng ta sống trong ánh sáng cũng như Ngài vẫn hằng ở trong ánh sáng thì chúng ta được thông công với nhau và huyết Đức Giê-su Christ, Con Ngài, thanh tẩy mọi tội lỗi chúng ta.”…(1Giăng 1:1-7).  Những điều trong sự mầu nhiệm thiên thượng thật sâu xa bằng đức tin chẳng có ai có thể lý giải trọn vẹn, thì cũng có những nguyên do bởi từ thiên thượng mà bất cứ người thành tâm nào cũng hiểu được.
    Chúng ta đã nghiên cứu  qua luận cứ thứ nhất“Những kinh nghiệm của các tín hữu đã nhận được”(Gal 3:1-5)phần một của chương ba.  Cho thấy mỗi đời sống của tín nhân Cơ-đốc theo Chúa của họ và mỗi chúng ta đều có những kinh nghiệm thiết thực trong sinh hoạt đời sống tâm linh cũng như thể xác của chính mình.  Vì vậy, phần hai chương ba, sứ đồ Phao-lô kêu gọi: “Hãy suy xét lại những kinh nghiệm riêng tư với Chúa Giê-su Christ sau khi tin nhận Ngài”(Gal 3:6-14) vì đây là những trải nghiệm sống động trong đức tin được Thiên Chúa thiết lập cho mỗi tín nhân Cơ-đốc và phần ba chương ba bày tỏ cho chúng ta nhận thấy”Lập luận trên căn bản nội dung giao ước và cách thi hành giao-ước”(Gal 3:15-29).  Trong phần ba nầy của sách Ga-la-ti đã biểu lộ ra bốn ý tưởng giúp tín nhân Cơ-đốc xưa và nay hiểu được mối liên quan giữa lời hứa và luật pháp: (1)Luật pháp không thể thay đổi được lời hứa(Gal 3:15-18); (2)Luật pháp không lớn hơn lời hứa (Gal 3:19-20); (3)Luật pháp không trái với lời hứa(Gal 3:21-26);(4)Luật pháp không thể làm công việc của lời hứa(Gal 3:27-29).
III- Lập luận trên căn bản nội dung Giao-ước và cách thi hành Giao-ước (Gal 3:15-29) .
    Kinh thánh, dù là Tân-ước hay Cựu-ước, đều ghi lại mạc khải của Thiên Chúa đã tỏ bày ngang qua một lịch sử. Lịch sử ấy cốt là một loạt biến cố đã xảy ra và được những người có ơn riêng vạch cho thấy ý định mà Thiên Chúa quan phòng đã đặt trong đó.  Mục đích Thiên Chúa thiết lập mối liên lạc giữa Ngài là Thần và loài người.  Dĩ nhiên người ta chỉ có một vai trò thứ yếu, nhưng cũng thực là một vai trò hoạt động, chứ không phải là một khán giả thụ động.  Mối liên lạc ấy được gọi là “Giao-ước”, giao kèo hai bên thỏa thuận để biết phải đối xử với nhau làm sao. 
    Phần 01.  GIAO-ƯỚC TRONG THÁNH KINH ?  Trước khi chúng ta nghiên cứu bài học phần nầy, là tín nhân Cơ-đốc cần biết thêm những chi tiết giá trị về Giao-ước trong Kinh thánh. 
    1.1 Các Giao-ước:   Kinh thánh bày tỏ rằng Đức Chúa Trời là “Thần” bước vào thế giới con người làm nên sự sống và hòa nhập với con người.  Vị Thần nầy luôn luôn vui thỏa để tiếp xúc con người, và trong sự tiếp cận nầy Ngài đã lập ra nhiều Giao-ước:
(1)- Giao-ước đầu tiên Đức Chúa Trời lập với con người là Giao-ước với con người được sáng tạo ( Sáng. 2:8-9, 15-17).
(2) –Giao-ước của Ngài với con người sa ngã ( Sáng 3:8-21). Dầu Đức Chúa Trời có sự tiếp xúc gần gũi và thân thiết với A-bên, không có Giao-ước nào được lập với ông.  
(3)-Sau khi Nô-ê trải qua cơn nước lụt,  Đức Chúa Trời bước đến lập một Giao-ước với ông và các con trai ông ( Sáng 9:8-17).
(4)-Rồi sau khi kêu gọi Áp-ra-ham Đức Chúa Trời đã lập một Giao-ước với ông ( Sáng 12:2-3,7-8; 15:4-18; 17: 1-2; 22:17-18), và Giao-ước nầy được lặp lại với Y-sác ( Sáng 26:3-5), và với Gia-cốp (Sáng 28:13-15). 
(5)-Sau đó, khi Đức Chúa Trời đem  Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai - cập đến núi Si-na-i, Ngài lập một giao ước dài với dân tuyển chọn (Xuất. 20:-23: ; 24:3-8). Giao ước nầy, giao ước của luật pháp, được Thánh kinh gọi là giao ước thứ nhất (Hê. 8:7,13;9:1), hay giao ước cũ.  
(6)-Sau cuộc hành trình trong đồng vắng trải 40 năm, dân Y-sơ-ra-ên đã đến đất Mô- áp, và tại đó Đức Chúa Trời lập một Giao-ước khác với họ ( Phục. 29-30).
(7)-Theo Kinh thánh II Sa-mu-el. Chương 7, Đức Chúa Trời cũng lập một Giao-ước với Đa-vít.  
(8)-Cuối cùng trong Kinh thánh Tân- ước Chúa Giê-su Christ thiết lập Giao-ước mới(Lu 22:20).  Giao-ước mới nầy đã được hứa cho dân Y-sơ-ra-el trong Giê.31:31-34 (so sánh với Hê. 8:8-13), và nó đã được Chúa Giê-su Christ làm ứng nghiệm cách tuyệt đối, hoàn toàn khi Ngài thiết lập ( Math. 26:26-29; Mác 14:22-25; Luca 22:19-20; I Côr. 11:23-26).  Khi Chúa Giê-su Christ thiết lập Tiệc thánh, Ngài công bố về một giao ước với các tín đồ Tân Ước, Giao-ước mới được khai phóng.
    Vậy, chúng ta thấy rõ trong Kinh thánh Đức Chúa Trời đã lập tám Giao-ước với con người, nhưng Ngài chỉ kể hai Giao-ước: Giao-ước lập với  Y-sơ- ra-ên qua Môi-se, và Giao-ước mới, Giao-ước của sự sống mà được coi là Giao-ước thứ hai ( Hêb.8:7). Mọi Giao-ước khác--các Giao-ước với con người được sáng tạo, với con người sa ngã, với Nô-ê, với Áp-ra-ham, với  Y-sơ-ra-ên trong đất Mô áp, với Đa-vít-- đều được Đức Chúa Trời coi là các Giao-ước phụ.  Hơn nữa, Giao-ước Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham tương ứng với Giao-ước mới và là nền tảng cho Giao-ước mới ( Gal. 3). Nếu chúng ta nghiên cứu mọi Giao-ước nầy cách thấu suốt, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời thiết lập chương trình cứu rỗi thông qua một Giao-ước, Giao-ước mới của sự sống.  Amen!
1.2  Giao-ước là gì?  Theo nghĩa Kinh Thánh thì Giao-ước là một thỏa ước giữa hai bên, được thiết lập và đóng ấn bằng một nghi lễ công khai và long trọng.   Trong Giao-ước, mỗi bên được hưởng một số quyền lợi và phải thi hành một số bổn phận.
  • Theo phong tục của các dân sống tại miền đất Pa-let-tin  xưa, người ta thường đóng ân giao-ước bằng cách sát tế một con vật, rồi phân thây làm hai phần và đặt dưới đất.  Sau đó đại diện hai bên lần lượt đi ngang qua giữa hai phần con vật bị phân đôi, ngụ ý quyết tâm thi hành giao ước và sẵn sàng chịu cùng số phận như con vật bị giết nếu vi phạm thỏa ước.
  • Một hình thức khác để đóng ấn giao-ước là người ta dùng máu con vật bị sát tế rẩy lên hai bên thiết lập máu Giao-ước, nghi thức đố ám chỉ hiệu quả Giao-ước là làm cho hai trở nên “họ hàng cùng một huyết thống” và chia sẻ với nhau “cùng một linh hồn” tức “cùng một sự sống”, vì theo quan niệm của Do Thái, máu là nơi cư ngụ của linh hồn và linh hồn là chính sự sống của sinh vật.
  • Trong lịch sử cứu chuộc của Đức Chúa Trời, Thiên Chúa đã nhiều lần thiết lập Giao-ước với những con người, nhưng hai Giao-ước thường được nhắc tới trong Kinh Thánh là Giao-ước mới và Giao-ước cũ.
1.3 Giao-ước cũ: Giao-ước cũ là Giao-ước được thiết lập giữa Thiên Chúa với dân tộc được biệt riêng của Ngài là dân Y-sơ-ra-el và được đóng ấn bằng máu con vật bị sát tế.
*    Giao-ước cũ gồm những đặc điểm sau đây:
  • Được ký kết bằng máu con vật bị sát tế, nhờ đó Thiên Chúa và dân Ngài được liên kết với nhau trong tình huyết nhục thiêng liêng.
  • Giao-ước được ký kết với dòng dõi tư tế 
  • Giao-ước được ký kết với dân riêng, nhưng có hiệu quả phổ quát, còn dân riêng Ngài chỉ là đại diện và là trung gian phổ quát giữa Thiên Chúa với nhân loại mà thôi.
  • Giao-ước là một bữa tiệc, trong đó thực khách của Thiên Chúa đã được đồng bàn với Ngài, nghĩa là Thiên Chúa mời gọi Y-sơ-ra-el tham dự vào tình bằng hữu nghĩa thiết với Ngài và chia sẻ mọi thiện hảo với Ngài.
1.4  Giao-ước mới:  Vào thời Giê-rê-mi, tinh thần tôn giáo của Y-sơ-ra-el đang đà có nguy cơ xuống dốc trầm trọng. Người ta thực thi tôn giáo với một tinh phần pháp lý vụ lợi, nghĩa là có ân huệ Chúa ban cho họ là một thứ công nợ.  Ngài phải trả cho họ những việc họ thực hiện.  Giê-rê-mi cực lực đả kích tinh thần ấy, và tiên báo Thiên Chúa sẽ thiết lập với dân Ngài một Giao-ước mới, không dựa trên thỏa ước pháp lý lề luật ràng buộc. Nhưng dựa trên mối tương quan tình yêu gắn yêu Thiên Chúa gắn bó với dân Ngài.
  • Kinh thánh Cựu-ước,  sách tiên tri Giê-rê-mi là một sự mạc khải rất quan trọng vì được tiên báo về Giao-ước mới.  Giê-rê-mi được Thiên Chúa sử dụng ông làm diễn giảng rao báo về Giao-ước mới của sự mặc khải mầu nhiệm cho con người, trong khi các sách của Môi-se, là những sách không hề nói gì về Giao-ước mới trong thời kỳ nầy.  Dầu Môi-se đã nói tiên tri rất nhiều về Đấng Christ, Giao-ước Đức Chúa Trời dùng ông lập với Y-sơ-ra-ên không có gì liên hệ đến Chúa Giê-su Christ.  Căn cứ trên sự kiện sách Giê-rê-mi  tiên báo về Giao-ước mới, sách Giê-rê-mi có thể được coi là sách Cựu-ước cũng là sách Tân-ước cho mọi thời đại.  Đây là Giao ước- giao ước mới của sự sống (Giê-rê-mi 31:31-34) : ”CHÚA phán:“ Trong những ngày tới, Ta sẽ lập giao ước mới với nhà Y-sơ-ra-ên và nhà Giu-đa.  Giao ước này sẽ không giống như giao ước Ta đã lập với tổ phụ chúng, ngày Ta cầm tay dìu họ ra khỏi Ai-cập.  Họ đã bội giao ước Ta, trong khi Ta là Chúa họ.”CHÚA phán vậy.  CHÚA phán: “ Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày ấy. Ta sẽ đặt luật Ta trong lòng chúng. Ta sẽ viết luật ấy trên tim chúng.Ta sẽ là Đức Chúa Trời của chúng, và chúng sẽ là dân Ta.” CHÚA phán: Bạn bè hàng xóm hoặc anh em họ hàng không cần phải dạy bảo nhau: ‘Hãy nhìn biết CHÚA.’Từ người thấp hèn nhất đến người sang trọng nhất, Hết thảy chúng đều sẽ biết Ta,Vì Ta sẽ tha thứ tội ác chúng, và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi chúng nữa.”   
  • Giao-ước mới là Giao-ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại và được đóng ấn bằng máu Đức Chúa Giê-su Christ con một yêu dấu của Thiên Chúa.   Giao-ước cũ là hình bóng của Giao-ước mới.  Vì thế, Giao-ước mới hoàn tất những gì được tiên báo qua Giao-ước cũ, và do đó Giao-ước mới đã chấm dứt và thay thế cho Giao-ước cũ.  Tại Bữa Tiệc thánh,  Chúa Giê-su đã thực hiện những gì Ngài sắp thi hành thực sự trên thập giá, đó là hiến thân làm “Con Chiên Vượt Qua” chịu sát tế làm lễ hy sinh đền tội cho kẻ tin nhận Ngài, và máu đổ ra để thiết lập và đóng ấn Giao-ước giữa Thiên Chúa và toàn thể những ai bằng lòng tiếp nhận Ngài, nhờ đó người tin Ngài được hiệp nhất với Thiên Chúa trong cùng một huyết nhục như những người cùng một gia đình, chung nhau cùng một dòng máu.  Giao-ước này được gọi là Giao-ước mới vì thay thế cho Giao-ước cũ như lời Chúa Giê-su phán: “Chén này là Giao ước mới trong Máu Ta đổ ra vì các Ngươi” (Lu 22:30).
  • Bữa Tiệc Thánh là lúc Chúa Giê-su công bố giao ước mới và cũng phải hiểu theo ý nghĩa trên . Vì thế, Tiệc Thánh đòi hỏi tín nhân có cuộc sống gắn bó với Thiên Chúa  qua Hội thánh và dấn thân cho Ngài hoàn toàn dựa trên mối tương quan tình yêu, chứ không dựa trên pháp lý hay hình thức.  Amen!
  • Ngoài giá trị siêu vượt và hiệu quả lớn lao của Giao-ước mới, Giao-ước này còn gồm hai đặc điểm khác biệt với Giao-ước cũ, đó là Giao-ước phổ quát, nghĩa là được ký kết với dân Do-thái và cả dân Ngoại Bang và dựa trên mối tương quan tình yêu. Vì thế, Giao-ước mới đòi hỏi ta tinh thần liên đới toàn cầu hiệp nhất trong Christ, và một cuộc sống dựa trên tình yêu.  Vì thế:
  • Giao-ước mới sẽ được Thánh Linh Thiên Chúa phù hộ, dẫn dắt tín nhân tinh thần cởi mở chấp nhận hết mọi người như những anh chị em ruột thịt không phân biệt tuổi tác, địa vị, xã hội, văn hóa, chủng tộc hoặc tình trạng của cuộc sống.
  • Ngoài ra Giao-ước mới cũng được Thần Linh Thiên Chúa khiến tín nhân không có thái độ thờ ơ hoặc khinh chê đối với bất cứ ai, vì nhờ Giao-ước mới này tất cả người tin Đấng Christ được trở thành con cái của cùng một Cha chung trên trời và anh chị em với nhau trong tình huyết nhục thiêng liêng.  Do đó đời sống người được xưng công chính biết sẵn lòng chia sẻ và hòa hiệp với mọi người trong mọi cảnh ngộ.
1.5 Luận về Giao-ước:  Trong sinh hoạt xã hội loài người rất cần sự trung tín trong việc giao dịch với nhau. Tuy nhiên, trong bản chất của con loài người trong thế gian rất hay quên những điều mình đã cam kết, vì thế cần có những giao-ước để nhắc nhở cho nhau về những điều đã cam kết ấy.  Giao-ước có thể là một sự vật, một sự việc, một bản văn v.v. Tất cả hai (hay nhiều) bên cam kết đều đồng thuận về những giao ước ấy.  Giữa Thiên Chúa và lòai người cũng cần có Giao-ước.  Thiên Chúa, Ngài là Đấng thành tín đời đời vô cùng, còn lòai người rất dễ bất trung.  Một Ba Ngôi Thiên Chúa thiết lập những Giao-ước, rồi Thiên Chúa công bố cho lòai người để cùng thực hiện cho vững bền, và dĩ nhiên lòai người đồng thuận vì các Giao-ước ấy luôn luôn làm ích lợi lớn cho lòai người. Thí dụ: Toàn thể Kinh Thánh trước Chúa Giê-su ra đời, gọi là Cựu-ước, và toàn thể các sách Kinh Thánh sau Chúa ra đời, gọi là Tân-ước.  Trung tâm của Kinh thánh là chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa  và cuộc Tử nạn của Chúa Giê-su trên Thập tự giá là một Giao-ước đời đời bất di, bất địch.
  • Giao-ước giữa Thiên Chúa và loài người tất nhiên không thể giống như một thỏa hiệp giữa những con người với nhau.  Chính Thiên Chúa ban ơn xuống cho tín nhân:  Mọi sáng kiến phát tự Thiên Chúa(Thiên ý định), còn loài phải ứng đáp lại.  Sự ứng đáp của người ta làm cho người ta tích cực dự phần vào việc thỏa thuận, làm cho người ta có trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về những khoản phải giữ mà Giao-ước đã đặt ra. 
  • Thiên Chúa hứa cho dòng dõi ông Ap-ra-ham sẽ đông đúc như sao trên trời và Chúa hứa sẽ ban Đất Hứa làm gia nghiệp cho ông và dòng dõi ông. Và Thiên Chúa lập Giao-ước: Chúa bảo ông bắt một con bò, một con dê, một con cừu, một con chim gáy, một bồ câu non. Ông chặt các con bò, dê và cừu làm đôi, để nữa nọ đối diện với nữa kia… Khi mặt trời lặn, có một chiếc lò bốc khói lửa băng qua các phần con vật bị chia đôi.  Đó là Giao-ước Chúa thiết lập với Ap-ra-ham. Chúa dùng nghi tiết kết ước cổ thời: vật hy sinh được sẻ làm nhiều mảnh đặt ra hai bên, những người kết ước đi ngang qua giữa và bằng cử chỉ ấy tự chúc dữ mình phải phân thây nếu dám bội ước. Đức Chúa Trời đã sử dụng nghi tiết ấy để Ap-ra-ham tin, còn Thiên Chúa thành tín vô cùng, chẳng cần đến nghi thức ấy.  Giao-ước nầy rất có lợi cho Ap-ra-ham nên dĩ nhiên là ông đồng thuận.  Việc con cháu ông sinh sản ra mhiều Chúa đã thực hiện là cho vợ ông sinh con trai I-sac nối dòng, mặc dầu vợ chồng ông đã gìa. Việc cho Đất Hứa làm gia nghiệp, Chúa cũng thực hiện qua việc sai Môi-se đưa con cháu Ap-ra-ham từ Ai-cập về chiếm hữu Đất Hứa.
  • Còn giao ước của thời đại chúng ta là Cuộc Tử Nạn của Chúa Giê-su Christ “Máu của Giao-ước mới trong Chúa Giê-su, là Giao-ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các tín nhân Cơ-đốc để nhiều người được tha tội.” Bảo đảm ơn tha tội và sự cứu rỗi của chúng ta là Máu cực châu báu của Chirst đã  đổ ra trên thập tự giá.  Ơn phúc lớn ấy vô cùng phong phú (ân điển dư dật)Chúa đổ xuống rải khắp chan hòa cho Hội thánh Ngài. Chúng ta hãy bằng long tin để nhận cách nhưng không.  Và đó chính là trọng tâm của Giao-ước bởi Thiên ý định trong chương trình cứu chuộc dành cho tín nhân Cơ-đốc.
  • Các thư tín Tân Ước xuất hiện trước sau đại khái như thế. Nhưng vấn đề thời gian ở đây không quan trọng bằng trong Cựu-ước.  Tất cả đã làm xong trong vòng không đầy một thế kỷ sau khi Chúa về trời. Trong khi Cựu-ước phải để hơn một ngàn năm mới thành hình, theo một con đường lịch sử nhân loại dài dằng dặc với bao biến cố thăng trầm, thì Tân-ước chỉ trình bày một biến động cuối cùng độc nhất, biến cố đã làm cho hai mươi bảy văn thư, được gọi là Tân-ước hay Kinh thánh của Giao-ước mới: Giao-ước Thiên Chúa đã thiết lập chiếu theo lời hứa của Ngài ngang qua các tiên tri trong quá khứ.

1.6 Nói đến Giáo ước mới, tức là phải nghĩ ngay đến Giao ước cũ: Lịch sử cứu chuộc trong Kinh thánh theo Cựu-ước cho ta thấy một cộng đoàn xuất hiện đầu tiên như một mớ bộ lạc thuộc chủng tộc Sem, lảng vảng giữa hai nền văn minh cao nhất cổ thời: Lưỡng-hà- địa và Ai-cập, rồi dần dần kết thành một dân với tước hiệu là Y-sơ-ra-el.  Cựu-ước cho chúng ta thấy những biến động, những bước tiến, ngang qua đó Y-sơ-ra-el đã được nắn đúc dưới sự Thiên Chúa quan phòng để thành "Dân của Thiên Chúa": một dân có mối tương quan liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Liên lạc ấy được tả bằng tiếng Giao-ước. Giao-ước:  sự giao kèo thỏa thuận giữa hai bên (người với người hay dân tộc với dân tộc), nhờ đó mối tương quan giữa đôi bên được qui định do sự thỏa thuận với nhau.
  • Giao-ước giữa Thiên Chúa và con người dĩ nhiên không thể hoàn toàn tương đồng với sự thỏa thuận giữa hai người bình đẳng với nhau.  Thiên Chúa đã định trước theo Thiên ý Ngài, và có trọn thẩm quyền để thi hành.  Giao-ước ấy được kết trong mệnh đề này: Yavê là thần của Y-sơ-ra-el, và họ là dân sự của Ngài, một liên lạc vượt quá liên lạc vốn đã có giữa thọ tạo và Ðấng tạo hóa.  Nhưng tuy rằng người Y-sơ-ra-el đã sống lâu đời trong Giao-ước, những tinh thần sáng suốt, những kẻ thành tín nhất vẫn cảm thấy là mối liên lạc kia vẫn khiếm khuyết, vẫn còn chưa thành sự, chưa chung kết.  Dân Chúa còn phải chờ đợi một cái gì nữa trong tương lai. Luôn luôn Y-sơ-ra-el là Dân của Thiên Chúa, nhưng vẫn chưa là Dân của Thiên Chúa theo một nghĩa đầy đủ cho thật trọn vẹn trong ý Thiên định. Những đặc tính lý tưởng các tiên tri hiểu về Dân Thiên Chúa, phải chờ một thời khác sẽ đến mới nên thực thụ, thời Thiên Chúa can thiệp một cách uy quyền để đem ý định của Ngài đến nơi đến chốn. Một trong các tiên tri báo hiệu một Giao-ước mới (Giê-rê-mi 31:31tt).
  • Bây giờ, các tác giả Tân-ước lấy lại những đặc tính lý tưởng ấy mà áp dụng cho Hội thánh: Hội thánh là Y-sơ-ra-el thật của Thiên Chúa, là "dân được chọn làm sở hữu hoàn toàn củaThiên Chúa", các người ở trong đó là "đế vương", là "tư tế" cho Thiên Chúa, là "số sót" lại theo lời tiên tri E-sai, là dân Giao-ước mới của lời tiên tri Giê-rê-mi, là Y-sơ-ra-el mới được sống lại từ cõi chết theo Ê-xê-chia, là dân được "chuộc lại", là dân tộc gồm những thánh đồ của Ðấng Tối Cao: "thánh" đây chỉ các tín hữu, không phải vì họ có đức độ cao cả nhưng nguyên chỉ vì họ là những người thuộc cộng đoàn được chuộc và tận hiến, các thánh đồ dành cho Thiên Chúa.
  • Vào đêm trước khi chịu đóng đinh, trong lúc ăn tối lần cuối với các môn đệ, Chúa Jê-sus đã giải thích sứ mạng của Ngài bằng biểu tượng. Chúng ta thường gọi sự việc này là Tiệc thánh.  Qua biểu tượng bánh và chén, Chúa Giê-su mặc khải về một Giao-ước mới giữa Đức Chúa Trời và con người, Giao-ước sẽ có hiệu lực mãi mãi, qua trên thập tự bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem.
Ngày nay, mỗi khi người tín nhân dự Tiệc thánh, chúng ta xác nhận rằng mình “ĐƯỢC PHỦ BAO BỞI GIAO ƯỚC MỚI.”
(CÒN TIẾP).
MS. LÊ QUÍ HỮU. ĐT 0968871056.

0


Theo dõi: Blogspot | Facebook | Twitter | Google+

Đăng bởi Tin Lanh Mennonite on 00:24. Chuyên Mục , . Chào mừng quí vị đã đến với Blog's của David Nguyễn. Nếu thấy nội dung blog's có ích cho quí vị xin vui lòng chia sẻ nó cho những người khác. Xin chân thành cảm ơn! Davidnguyen. Mọi thắc mắc, góp ý xây dựng xin liên hệ! tại đây.

0 nhận xét for GA-LA-TI phần ba, chương ba.

Đăng một nhận xét

BÀI MỚI

NHẬN XÉT MỚI

MEDIA

TIN TỨC

...

LÊN ĐẦU TRANG