SƠ LƯỢC LỊCH SỬ GIÁO HỘI MENNONITE
Giáo hội Mennonite đã đến Việt nam và đã có nhiều hoạt động giữa vòng người Việt ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại. Tuy nhiên rất ít người biết về Giáo hội này. Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi xin trình bày vắn tắt lịch sử của Giáo hội Mennonite để giúp quý độc giả có thể hiểu biết nhiều hơn về Giáo hội.
Tất cả các Giáo hội Cơ-đốc bắt nguồn từ Chúa Jêsus. Trải qua 2000 năm, Hội thánh Cơ-đốc đã lan rộng khắp thế giới và đã phát triển một cách đa dạng và phong phú. Chúng tôi xin trình bày Lịch sử Giáo Hội Mennonite trong dòng phát triển chung của các Hội Thánh Cơ-đốc.
I.THỜI KỲ KHỞI ĐẦU
Có thể nói rằng hội thánh đầu tiên của Chúa ra đời vào ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên sau khi Chúa Phục sinh và Thăng thiên. Lúc ấy các môn đồ của Chúa đang cầu nguyện tại một phòng trên lầu cao, thì Chúa Thánh Linh giáng lâm. Sau đó Sứ đồ Phi-e-rơ giảng cho những người hành hương tại Giê-ru-sa-lem nghe Phúc âm và có 3000 người tin Chúa. Số người tin Chúa mỗi ngày một gia tăng. Làn sóng người tin Chúa lan rộng ra khắp tỉnh Giu-đa, sang tỉnh Sa-ma-ri rồi thì sang các nước khác. Chúa đã dùng các con cái Chúa và đặc biệt là các vị Sứ đồ như Phi-e-rơ, Ba-na-na, Phao-lô mà rao truyền Phúc âm khắp nơi trong đế quốc La-mã.
Các hội thánh đầu tiên tổ chức mô phỏng theo các “nhà hội” người Do Thái bấy giờ. Mỗi hội thánh có các trưởng lão là chăm sóc mặt thuộc linh của hội thánh. Hội thánh cũng có các chấp sự phụ giúp các trưởng lão để chăm lo về mặt an sinh, xã hội của hội thánh. Các hội thánh trong giai đoạn đầu tiên là những hội thánh địa phương tự trị. Chưa có tổ chức liên hội ở cấp bập khu vực hay quốc gia.
Đạo Chúa lan rộng rất nhanh. Đến năm 180 SC thì Đạo Chúa đã lan đến Tây Ban Nha, năm 314 SC lan đến Pháp, Đức và Anh quốc, 1000 SC lan đến Nga. Song song với sự phát triển nhân số nhanh chóng, đạo Chúa đã phải đối diện với nhiều trở lực bên trong và bên ngoài.
Trước hết là sự bách hại từ bên ngoài. Hội thánh đầu tiên bị các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo bắt bớ. Chính quyền La Mã có khi chiều theo yêu cầu của người Do Thái mà ngược đãi những người tin Chúa Jêsus. Tuy nhiên lúc ban đầu chính quyền giữ thái độ trung dung. Họ coi Cơ-Đốc Giáo là biến thể của Do-thái giáo, là tôn giáo hợp pháp trong Đế quốc La-mã. Về sau, khi Cơ-đốc-giáo phát triển mạnh, chính quyền La-mã đã thay đổi thái độ. Họ bắt đầu bách hại đạo Chúa, cho nên con cái Chúa phải nhóm họp bí mật vào ban đêm. Trong giai đoạn này, nhiều con cái Chúa bị săn đuổi, giam cầm, tra tấn và bị sát hại một cách dã man. Hai cơn bắt bớ quy mô khắp Đế quốc đã xảy ra. Cuộc bắt bớ thứ nhất xảy ra dưới thời Hoàng đế Decius (249-251), và cuộc bắt bớ thứ hai xảy ra dưới thời Hoàng đế Valerian (254-260) và Hoàng đế Diocletian (284-305).
Tình thế đã hoàn toàn thay đổi khi Hoàng đế Constantine (280-337) trị vì. Constantine chấm dứt việc bắt bớ Hội Thánh, đồng thời ông cũng ban hành những đạo luật thuận lợi cho Cơ-đốc-giáo. Bản thân nhà vua vẫn giữ vai trò một thầy tế lễ ngoại giáo, nhưng cuối cùng vị vua này cũng đã nhận lễ Báp-tem trước khi qua đời.
Trong thời kỳ bị bắt bớ, hội thánh có khó khăn nhưng tín lý và nếp sống đạo của con cái Chúa tương đối trong sạch. Dầu vậy, có hai hiện tượng không hay đã dần dần phát triển trong Hội thánh. Đó là việc phát triển “các cấp bậc giáo phẩm,” và việc phát triển “các phép bí tích”. Việc phát triển các cấp bậc giáo phẩm đã phá huỷ tinh thần anh em trong Hội thánh. Hội Thánh đã tạo ra các cấp bậc: phó chấp sự, chấp sự, tư tế, Giám mục rồi Giáo phụ. Hai vị Giám mục có ảnh hưởng lớn thời bấy giờ là Giám mục thành phố Constantinople và Giám mục thành phố La-mã. Đến thế kỷ thứ 6, Giám mục thành phố La-mã chiếm ưu thế, và liên hệ các Hội thánh hai miền Đông và Tây của Đế quốc mỗi ngày một căng thẳng. Đến năm 1054 SC thì Hội thánh chia đôi thành Giáo hội Công giáo La-mã, và Giáo hội chính thống Đông Phương.
Việc phát triển các phép bí tích đã làm méo mó niềm tin và biến các thánh lễ thành những phù phép. Người ta bắt đầu tin rằng những phép ấy mặc nhiên có hiệu năng, không cần biết người ban và người nhận lễ có đức tin ra sao, và đời sống đạo đức thế nào. Chẳng hạn như đối với lễ Tiệc thánh, các tín đồ cố gắng để được nhiều lần ăn bánh thánh và uống rượu thánh, vì họ tin rằng càng dự nhiều lễ họ sẽ càng được thiêng liêng hơn.
Trong giai đoạn này, Hội Thánh không còn là một cộng đồng yêu thương chăm sóc nhau, nhưng là nơi để ban phát những phép mầu. Các giáo phẩm không còn là những đầy tớ khiêm nhường phục vụ Chúa và phục vụ anh em, mà là những vị tư tế có quyền uy biến bánh và rượu thành thịt và huyết thật của Chúa. Giáo hội cũng dạy tín đồ dâng lời cầu nguyện lên các thánh, lên Đức Mẹ Maria, lên các Thiên sứ để những vị này đệ trình lên Chúa. Hội Thánh cũng thần thánh hoá những thánh tích. Người ta tôn thờ những thánh tích như “nhành gai” trong bụi gai cháy không tàn của Môi se, “sợi râu” của Giăng Báp tít, “vết máu” trên thập tự giá của Chúa Jêsus v.v… Giáo lý về đời sau cũng thay đổi. Ngoài Thiên đàng và địa ngục Kinh Thánh dạy, Giáo hội còn đề ra “Ngục Luyện Tội” (Purga-tory). Đây là nơi con cái Chúa phải ở để chịu hình phạt trước khi vào Thiên đàng. Giáo hội cũng dạy rằng các vị thánh xuất chúng đã tích luỹ được nhiều ân đức trong kho. Giáo hội có thể bán ra các ân đức ấy cho những ai cần để họ có thể hoá giải các án phạt của mình và rút ngắn thời gian mình phải ở trong ngục luyện tội.
Bên cạnh hai hiện tượng trên, giáo quyền cũng đã liên kết chặt chẽ với chính quyền từ thời Constantine. Nhiều thói tục ngoại giáo đã dần dần len vào hội thánh. Đời sống thuộc linh của Hội thánh sa sút trầm trọng. Vị giám mục ở La-mã bắt đầu được gọi là Giáo Hoàng. Nhiều vị Giáo Hoàng có đời sống sa đoạ vô cùng. Có những kỳ giáo hội có hai ba có hai ba vị Giáo Hoàng cùng một lúc. Các vị ấy tranh giành chức quyền với nhau.
II. CẢI CÁCH GIÁO HỘI
Trước tình trạng sa sút của Giáo hội, từng hồi từng lúc có những nhóm đã tách ra khỏi giáo hội để xây dựng Giáo hội mới và mong muốn theo cho đúng hơn lời dạy của Chúa. Có những nhóm khác vẫn đứng trong Giáo hội và lên tiếng kêu gọi Giáo hội cải tổ.
Nhà cải cách nổi tiếng nhất thời trung cổ là Peter Waldo, người Pháp (1140- 1217). Waldo nguyên là một thương gia giàu có. Ông nghiên cứu Kinh thánh thận trọng và quyết định vâng theo Lời Chúa mà sống một cuộc đời đơn giản trong sạch, bất bạo động. Ông bỏ công việc làm ăn và trở thành một nhà Truyền đạo lưu hành. Ông lấy Kinh thánh mà dạy dỗ người ta. Ông cũng mạnh mẽ bài bác những giáo lý sai trật của Giáo hội. Số người theo ông rất đông, lan rộng khắp Châu Âu. Giáo hội lên tiếng ngăn cản và dứt phép thông công ông. Nhiều người tin theo lời dạy của ông đã bị bắt bớ và bị giết chết.
Ở pháp có Peter Waldo thì ở Anh có John Wycliffe (1320-1384). Wycliffe sai phái những người Truyền đạo tình nguyện từng đôi đi khắp nước Anh để giảng đạo. Ông bài bác các giáo lý sai trật của Giáo hội như giáo lý ngục luyện tội, hành hương, giáo phẩm bắt buộc sống độc thân, vv…..Sau khi ông chết, Giáo hội đã cho khai quật mộ ông lên và lấy xương đem đốt.
Ở Tiệp có một nhà cải cách nổi tiếng là Hus (1371-1415). Ông nguyên là một Linh mục tuyên uý đại học Prague. Ông đã mạnh mẽ chỉ trích các giáo phẩm và Giáo hoàng về tội lỗi và sự dạy dỗ sai trật của họ. Ông bị Giáo hội kết tội “Lạc đạo” và bị thiêu sống năm 1415.
Sang thế kỷ 16, nhà cải cách quan trọng nhất thời bấy giờ là Martin Luther, người Đức (1483-1546). Ông nguyên là một tu sĩ dòng Âu-gút-tin. Ông đậu bằng Tiến sĩ thần học, được thụ phong Linh mục và làm Giáo sư tại đại học đường Wittenberg ở Đức. Dầu được làm Linh mục và có bằng cấp cao như vậy, nhưng Martin Luther không được bình an và không biết chắc mình có được cứu không. Ông đã để tâm suy gẫm Lời Chúa và khám phá chân lý “CỨU RỖI BỞI ĐỨC TIN” theo như Rô-ma 1:17 dạy. Luther rất bất bình khi thấy Giáo hội bán bùa xá tội và dạy dỗ sự cứu rỗi rẻ tiền. Ông soạn thảo một bản tuyên ngôn có 95 điểm để bài bác việc bán bùa xá tội và gởi lên đức tổng Giám mục. Từ đó ông bị Giáo hội để ý theo dõi. Tuy nhiên Luther không lùi bước. Ông tiếp tục mạnh mẽ giảng dạy Kinh thánh và chủ trương: Chỉ có Kinh thánh là thẩm quyền duy nhất của Giáo hội. Ông dạy chân lý “CỨU RỖI BỞI ÂN ĐIỂN VÀ ĐỨC TIN”. Ông chống lại việc bắt buộc các Linh mục sống độc thân. Được các vương hầu người Đức bảo vệ, Luther không bị Giáo hội giết hại. Ngược lại sự dạy dỗ của ông đã được phổ biến rộng rãi và Giáo hội Tin lành theo Giáo lý Luther đã ra đời. (Ngày nay Giáo hội Lutheran vẫn còn hoạt động).
Đồng thời với Luther bên Đức, thì bên Thuỵ sĩ có Zwingli (1484-1531) là người đã đứng lên để cải cách Giáo hội. Zwingli là một Linh mục Công giáo và có bằng Tiến sĩ thần học. Zwingli đã đi xa hơn Luther trong giáo lý về Tiệc thánh. Cả hai đều bác bỏ sự dạy dỗ của Công giáo rằng bánh và rượu nho trở nên thịt và huyết thật của Chúa. Nhưng Zwingli tin rằng Tiệc thánh chỉ có tính cách nhắc nhở con cái Chúa về sự chết của Chúa, chứ không có sự ”hiện diện thật sự” của Chúa trong bánh và nước như Luther chủ trương . Zwingli cũng không dùng tranh ảnh, nhạc khí và cũng không có ca hát trong sự thờ phượng, mặc dầu ông là một người có tài năng về âm nhạc. Thánh đường, đối với Zwingli chỉ là chỗ giảng Lời Chúa mà thôi.
III KHỞI XƯỚNG MENNONITE
Mennonite là Giáo hội tự do đầu tiên trong lịch sử Giáo hội cận đại. Trong khi đó Giáo hội Công giáo cũng như các Giáo hội cải cách khác vào thời trung cổ đều là những Giáo hội nhà nước. Người lãnh đạo đầu tiên của phong trào Hội thánh tự do là Conrad Grebel (1498-1526). Grebel cùng với bạn mình là Felix Mantz là những môn đệ của Zwingli. Ban đầu họ rất ủng hộ Zwingli trong công cuộc cải cách Giáo hội. Nhưng dần dần. Grebel nhận thấy Zwingli quá dè dặt trong cuộc cải cách, nhất là việc Zwingli để cho hội đồng thành phố quyết định những vấn đề giáo lý.
Grebel có cơ hội đọc các bài viết của Thomas Muentzer, là một tác giả người Đức và chịu ảnh hưởng các ý tưởng của tác giả này. Grebel và các đồng bạn đưa ra các chủ trương cấp tiến hơn các nhà cải cách khác trong các điểm sau:
- Tín hữu phải có đời sống đổi mới, phản ánh các Lời dạy của Tân ước. Hội thánh cần chú trọng đến sự vâng Lời Chúa hơn là chú ý đến số lượng hội viên.
- Hội thánh tuân theo nguyên tắc yêu thương và chịu khổ giống như Chúa Jêsus, cho nên Hội thánh không tham gia chiến tranh.
- Hội thánh chỉ nhận nguồn tài chánh đóng góp từ sự dâng hiến của con cái Chúa, và không nhận tài trợ của chính quyền. Chính quyền và Giáo quyền phải tách biệt.
- Phép báp-tem là dấu hiệu bày tỏ niềm tin của những người đã chết cho tội lỗi và sống cho Đấng Christ. Cho nên chỉ những người trưởng thành mới nhận Lễ Báp-tem. Hội thánh không làm Báp-tem cho trẻ em.
Zwingli và nhóm cấp tiến đã có nhiều buổi thảo luận riêng tư, cũng như tranh luận về các lập trường, tín lý. Hai bên thấy rõ rằng họ có nhiều điểm khác biệt nhau. Zwingli đã giữ nguyên lập trường của mình là không phân rẽ giữa Giáo quyền và chính quyền, cũng như tiếp tục làm Báp-tem cho trẻ em. Hội đồng thành phố Zurich đứng về phe Zwingli, họ ra chỉ thị trục xuất những gia đình nào sinh con mà không chịu làm phép Báp-tem cho con trong vòng 8 ngày sau khi sanh. Hội đồng cũng nghiêm cấm Grebel và Mantz, không cho hai ông giảng dạy Kinh thánh cho các học viên của mình.
Đêm thứ bảy, ngày 21/01/1525, Grebel và các bạn của mình đã họp kín với nhau để cầu nguyện và bàn thảo phương hướng mới để đối phó với tình cảnh khó khăn mới. Một Linh mục có tên là George Cajacob cũng cùng tham dự cuộc họp này. Trong lúc thất vọng và lo sợ, họ cùng quỳ gối cầu nguyện. Sau khi họ đứng lên thì Linh mục George yêu cầu Grebel làm phép báp-tem cho mình. Grebel đồng ý, và sau đó các anh em khác lại yêu cầu ông Grebel làm báp-tem cho họ.
Từ trước đến nay Grebel và gia đình ông cố tránh việc tách ra khỏi Giáo hội hiện hữu. Nhưng nay họ thấy rõ rằng Giáo quyền và chính quyền đã liên kết với nhau để cản trở và bắt bớ các anh em cấp tiến. Họ thấy không còn cách nào khác hơn là họ phải đứng riêng ra. Nhóm cải cách mới này được mệnh danh là nhóm”Anh Em” (Brethren), hay nhóm “BÁP-TEM LẠI” (Annabaptist). Grebel và các đồng bạn tích cực đi ra và bắt đầu làm chứng cho bạn bè tại Zurich và các thành phố khác. Trong một thời gian ngắn, số người hưởng ứng chủ thuyết “Hội thánh Tự Do” đã gia tăng đáng kể. Nhưng chính quyền và Giáo hội cải cách của Zwingli đã ra tay bắt bớ phong trào mới này một cách mạnh mẽ. Grebel và những người lãnh đạo phong trào cấp tiến đã phải lưu lạc, lẩn tránh. Grebel qua đời vào năm 1526 vì bạo bệnh. Các nhà lãnh đạo khác của phong trào, trong đó có cha của Grebel cũng như ông Mantz, ông George Cajacob, ông Hans Hus, bác sĩ Balthasar Hubmaier, và ông Michel Sattler đều lần lượt đều bị bắt và bị giết. Trong số họ, người thì bị chém, người thì bị nhận chìm xuống nước, người bị tra tấn hay thiêu sống trong các năm từ 1525 đến 1528. Dẫu vậy, phong trào Annabaptist vẫn tiếp tục lan rộng từ Thuỵ sĩ sang các nước Pháp, Đức, Hoà-lan,vv….
Vị lãnh đạo có công lớn nhất trong việc hợp nhất các nhóm Annabaptist cũng như đã đặt nền móng vững chắc cho phong trào này là ông Menno Simon. Vì vậy sau này người ta gọi những người Annabaptist là Mennonites (những người theo ông Menno). Menno Simon sinh năm 1495 tại Witmarsum, nay thuộc nước Hoà-lan. Ông Simon đã từng đi tu và được thụ phong Linh mục trong Giáo hội Công giáo và cai quản các Giáo xứ trong vùng quê hương ông. Trong thời gian làm Linh mục, ông Simon đã có những hoài nghi về các giáo lý Tiệc thánh và phép báp-tem của Công giáo. Ông đã để tâm nghiên cứu Kinh thánh và đọc các bài viết của các nhà cải cách như Luther, Bullinger, Bucer, vv…. Và kết luận rằng Giáo hội Công giáo đã dạy dỗ nhiều điều sai với Thánh kinh. Dầu vậy, ông vẫn tiếp tục ở trong Giáo hội. Một biến cố sau đó đã có tác động mạnh mẽ trên ông, đó là việc người anh của ông đã dám hy sinh đứng lên chống lại chính quyền. Gương người anh can đảm đã dũng cảm chịu chết vì lý tưởng đã giúp cho ông Menno can đảm đứng lên để sống cho niềm tin chân chính. Menno đã từ chức Linh mục để sống một đời sống lẩn tránh đầy khó khăn của một người theo phong trào cải cách cấp tiến. Các anh em trong phong trào đã phong cho ông làm Trưởng lão, tức là Giám mục. Menno đã phục vụ Chúa tại phong trào Annabaptist tai Hoà-lan và miền tây bắc nước Đức.
Menno Simon đã lưu hành nhiều nơi để dạy dỗ con dân Chúa. Ông cũng cố vấn, khích lệ những người lãnh đạo các nhóm Annabaptist. Ông viết nhiều sách giải nghĩa Kinh thánh cũng như biện minh cho việc cải cách. Các giáo lý quan trọng của ông dạy dỗ gồm: SỰ CỨU RỖI BỞI ĐỨC TIN, KINH THÁNH LÀ THẨM QUYỀN DUY NHẤT ĐỂ XÂY DỰNG NIỀM TIN VÀ NẾP SỐNG ĐẠO. Ông mạnh mẽ bênh vực các lập trường của Hội thánh tự do, phép báp-tem cho người có niềm tin, đời sống yêu thương, tinh thần bất đề kháng, Hội thánh huynh đệ, sự trung tín vâng phục Chúa. Ông cũng dạy về nếp sống nên thánh, nhưng không tin rằng có ai nên thánh hoàn toàn. Ông nhấn mạnh sự cứu rỗi nhờ Ân điển, nhưng không xem nhẹ sự vâng theo Lời Chúa.
IV. MENNONITE BÀNH TRƯỚNG
Hội Thánh Mennonite ở Thuỵ Sĩ không phát triển nhiều vì bị bắt bớ, và vì nhiều người Mennonite phải di dân sang các nước khác. Hội Thánh Mennonite tại Hoà lan thì phát triển mạnh trong giai đoạn đầu, nhưng sau đó lại yếu dần. Tại Ba lan, nhiều cộng đồng Mennonite rất vững mạnh bắt đầu mọc lên vào các năm 1540-1550. Sau hai thế kỷ thành hình, các cộng đồng Mennonite ở Ba lan trở nên quá đông đúc, trong khi đó bên Nga còn nhiều vùng đất hoang vu, chưa ai khai thác. Người Nga mời những người Mennonite, là những người nổi tiếng là giỏi giang về nghề nông, sang đất nước họ khai hoang lập nghiệp. Từ năm 1788-1880, nhiều khu Mennonite đã được thành lập tại miền nam nước Nga do những người Mennonite từ Ba lan di cư sang. Cuộc sống của những người di cư này rất gian nan vất vả trong buổi ban đầu, nhưng dần dần họ khắc phục được khó khăn. Có nhiều người Mennonite đã trở thành những kỹ nghệ gia giàu có.
Vào các năm 1870, vì viễn tượng sẽ bị cưỡng bách nhập ngũ, 18000 người Mennonite đã rời Nga để sang định cư tại Hoa Kỳ và Ca-na-đa. Những người Mennonite còn ở lại Nga chịu nhiều bắt bớ sau thời cách mạng Bolshevik (1917). Những người Mennonite di cư sang Mỹ phần lớn định cư tại các tiểu bang Delaware, Virginia và Pennsylvania.
Ban đầu, những người Mennonite di cư sang Mỹ châu chỉ thành lập những Hội Thánh địa phương tự trị. Về sau họ thành lập nên các giáo hạt (area conferences) và tổng liên hội liên quốc gia (bi-national conferences). Tổng liên hội có số hội viên đông nhất là Mennonite Church (95000 hội viên ở Mỹ và 29000 hội viên ở Ca-na-đa ). Tổng liên hội thứ hai là General Conferences (35000 hội viên ở Mỹ và 29000 hội viên ở Ca-na-đa). Hội Mennonite Bretheren có 42000 hội viên. Ngoài ra còn có các nhóm Amish với khoảng 580000 tín đồ, nhóm Hutterites với khoảng 15000 tín đồ. Người Amish rất bảo thủ. Họ ăn mặc theo lối cổ xưa riêng của họ, và dùng xe ngựa thay vì xe hơi. Họ thờ phượng trong nhà riêng, trong các kho vựa, và sống một cuộc sống hiền hoà trong các nông trại. Người Hutterites có nhiều điểm giống người Amish, chỉ có điều khác là họ chung sống với nhau trong những nông trại tập thể (colony).
Trong thập niên 1990-2000, hai tổng liên hội liên quốc gia Mennonite Church và General Conferences đã kết hợp lại với nhau thành một giáo hội chung với cùng một tín lý (Bản Tuyên Xưng Đức Tin). Giáo hội mới lại tổ chức thành hai Tổng hội đơn Quốc gia gọi là Mennonite Church USA và Mennonite Church Ca-na-đa. Hai tổng liên hội này có nhiều hoạt động trong tinh thần cộng tác hỗ tương nhau.
Tất cả các hệ phái Mennonite đều cộng tác với nhau trong công tác cứu tế xã hội. Họ lập ra cơ quan Mennonite Cerural Committee (MCC). Cơ quan này đã và đang làm công tác cứu trợ, xã hội trên khắp thế giới. Ngày nay, ngoài những người Mennonite có gốc Châu âu lâu đời, nhiều Hội thánh Mennonite trên khắp Thế giới cũng đã mọc lên do kết qủa của công cuộc truyền giáo của người Mennonite. Con số tín đồ Mennonite đã chịu Báp-tem ở 63 nước trên Thế giới theo thống kê năm 2000 & 2006, được phân phối như sau:
(2000) | (2006) | |
Châu phi | 405.979 | 513.002 |
Châu Á & Thái Bình Dương | 184.049 | 237,797 |
Trung & Nam Mỹ | 112.128 | 123.886 |
Bắc Mỹ | 443.918 | 481.061 |
Âu châu | 57.921 | 52.112 |
Tổng số | 1.203.995 | 1.408.738 |
Các nước có số Tín đồ Mennonite đông đảo nhất hiện nay là:
(2000) | (2006) | |
Mỹ | 319.768 | 278.726 |
Congo | 183.040 | 216.268 |
Ca-na-đa | 124.150 | 104.966 |
Ấn-độ Indonesia | 90.006 73.219 | 142.472 72.624 |
Hội MCC sang Việt nam từ năm 1954. Ba năm sau đó, các Giáo sĩ của Hội Truyền giáo Đông Mỹ (Eastem Mennonite Board of Mission, Mennonite Church) đến Sài gòn. Vì tình hình chiến tranh và chính trị bất ổn, công việc truyền giáo tiến triển không được nhanh chóng. Dầu vậy người Mennonite đã góp phần tích cực trong các công tác xã hội, như việc giúp đỡ người làng cùi ở Ban Mê Thuộc, mở chẩn y viện ở Nha trang. MCC cũng đóng vai trò lãnh đạo cứu trợ của cơ quan cứu trợ Cơ-đốc (Việt nam Christian Service), là cơ quan cứu trợ liên hệ phái. Đến năm 1975, tại Việt nam có được hai Hội thánh Tin lành Mennonite, với tổng số hội viên là 150 người.
Sau khi thay đổi chế độ các Hội thánh Mennonite Việt nam đã bị đóng cửa, các con cái Chúa tản lạc. Trong khi dó các Hội thánh Mennonite người Việt tại Mỹ và Ca-na-đa bắt đầu thành hình. Năm 1997, Hội Liên Hữu Mennonite Việt nam tại Bắc Mỹ được thành lập với ba Hội thánh tại Mỹ và năm Hội thánh tại Ca-na-đa. Mục tiêu của Liên Hữu là tạo mối thông công chặt chẽ giữa vòng các Hội thánh Mennonite Việt Nam, và đẩy mạnh côn tác Truyền giáo cho người Việt tại Hải ngoại và tại quê nhà. Chúa đã ban cho Liên Hữu trong công tác này trong những năm qua. Hy vọng rằng, nhờ ơn Chúa, nhiều Hội thánh Mennonite tại Việt nam và hải ngoại sẽ được thành hình và Giáo hội Mennonite Việt Nam sẽ được tái thiết lập. Đại hội đồng của Liên Hữu lần thứ ba của Liên hữu sẽ được tổ chức tại Calgary vào ngày 29 tháng 06 năm 2001.
Nhìn chung, Mennonite không phải là một hệ phái Cơ-đốc đông đảo lắm. Tuy nhiên, người Mennonite đã đóng góp phong phú vào cộng đồng Cơ-đốc qua những dạy dỗ, qua nếp sống đạo cũng như qua những hoạt động cứu tế, xã hội, Truyền giáo để bày tỏ chân lý và tình thương của Chúa cho thế nhân.
Ms Phạm Hữu Nhiên