Việt Nam Tuần Qua
Nhiều vụ cưỡng chế đất đai liên tục xảy ra với cùng một kịch bản: Chính quyền huy động một lực lượng hùng hậu công an, bộ đội, dân phòng… đông đảo hơn cả số lượng dân chúng để đến trấn áp, cưỡng chế đất của người dân.
Trong lúc Tiên Lãng, Văn Giang vẫn còn gây xôn xao trong dư luận thì tuần này chính quyền tỉnh Nam Định lại ra tay trấn áp, cưỡng chế đất của nông dân Vụ Bản.
Sáng thứ Tư 9 tháng 4, hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, cùng các loại xe đặc chủng, chó nghiệp vụ … được triển khai, ngăn chặn cả hai đầu đường quốc lộ dẫn vào khu đất 160 hécta thuộc xã Liêu Minh, huyện Vụ Bản.
Và cũng ngay từ sáng sớm, lực lượng cưỡng chế đã ra tay phá dỡ các lều bạt, dồn dân ra khỏi khu vực cưỡng chế. Nhiều người dân cho biết họ thậm chí còn bị đánh đập, xô đẩy, có người bị té ngã gây chấn thương.
Một người dân có mặt tại hiện trường vụ cưỡng chế thuật lại với phóng viên Việt Hà của Đài Á Châu Tự Do:
“Bây giờ người ta cưỡng chế và bắt mấy người đưa lên xe thùng đi rồi, và đánh một người ngất. Lực lượng của mình thì chỉ có nông dân thôi. Người cầm liềm, người cầm cuốc. Lực lượng bên kia thì xe cơ động, vòi rồng, cảnh sát cơ động, đủ các thành phần tầm khoảng 400 người. Nó bốc người, rồi nó đánh. Có bà nó kéo lê giữa đường rồi nó vứt ra đường nhựa…”
Một tay nó cầm dùi cui nó phang dân, phang thật sự…. Nó đẩy dân về qua đường cái, nó lùa dân, đẩy dân ngã dúi dụi xuống mương. Nó bảo không thì nó bắn, chống chế là nó bắn.Một người dân
Cảnh lực lượng chính quyền đánh đập nông dân, được những người trong cuộc mô tả là đầy bạo lực và không khác gì với một vụ trấn áp tội phạm:
“Nó cơ động xuống. Dân mình cứ lấy cats chống cự lại không cho vào. Nó cầm dùi cui, kính chắn phía trước. Một tay nó cầm dùi cui nó phang dân, phang thật sự…. Nó đẩy dân về qua đường cái, nó lùa dân, đẩy dân ngã dúi dụi xuống mương. Nó bảo không thì nó bắn, chống chế là nó bắn.”
Các hình ảnh thu được tại chỗ cho thấy đã có một phụ nữ bị đánh bị thương, vứt lên đường nhựa và phải đưa đi cấp cứu ngay sau đó.
Thông tin của người dân địa phương cho biết đã có ít nhất 5 người dân bị công an bắt đưa đi đâu không rõ. Một số người tìm cách quay phim, chụp hình vụ cưỡng chế đã bị lực lượng cưỡng chế đánh đập và tịch thu máy quay.
“Tréo cẳng ngỗng”
Trở lại với sự kiện Văn Giang, kính thưa quý vị, sau hai tuần lễ im tiếng, báo chí trong nước tuần này bỗng đồng loạt tố giác vụ hai phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV bị lực lượng cưỡng chế đánh đập dã man khi họ đến theo dõi vụ cưỡng chế đất đai hôm 24 tháng 4.
Và điều còn khiến dư luận ngạc nhiên hơn tất cả có lẽ là những tố giác này được phơi bày ngay sau khi Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đăng đàn cho rằng các hình ảnh, video clip loan truyền trên mạng internet về cảnh công an đánh người là chuyện giả tạo do các thế lực thù địch từ bên ngoài dàn dựng để xuyên tạc.
Nếu chỉ cách đây vài ngày, nhiều ý kiến trên các diễn đàn internet còn nêu câu hỏi là tại sao khác với vụ Tiên Lãng, lần này báo chí dường như đứng ngoài vụ Văn Giang??? Thì đến tuần này, không chỉ đăng bài, phỏng vấn hai phóng viên bị hành hung ở Văn Giang, nhiều báo mạng trong nước còn cho đăng tải ngay chính đoạn video clip cảnh công an đánh người mà ông Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên từng lên tiếng bác bỏ.
Lý giải về chuyện bị coi là “tréo cẳng ngỗng” này, nhà báo kỳ cựu Phạm Đình Trọng, nguyên là Trưởng Ban Đại diện báo Quân đội nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh, nói với Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do rằng:
“Theo tôi thì hai anh đều là công cụ. Anh công an là công cụ bạo lực của nhà nước, còn anh nhà báo là công cụ tư tưởng của nhà nước. Anh công an, công cụ bạo lực sử dụng trong trường hợp này rất sai bởi vì dùng công cụ bạo lực nhà nước để chống lại nhân dân. Nhân dân người ta đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của người ta thì nhà nước dùng công cụ bạo lực này để chống lại nhân dân, đàn áp nhân dân. Rõ ràng là hung hăng quá. Anh coi tất cả mọi người là đối tượng là kẻ thù!”
Âm mưu lật đổ chính quyền
Cùng với các vụ cưỡng chế đất đai, dư luận Việt Nam tuần này cũng nóng lên với các vụ án âm mưu chống chính quyền.
Hôm 9 tháng 4, công an tỉnh Gia Lai đã phối hợp với trung đoàn cảnh sát cơ động Tây Nguyên, mở chiến dịch tảo thanh, bắt giữ hơn 60 người với cáo buộc hoạt động cho tổ chức FULRO, chống phá nhà nước Việt Nam.
Theo tố giác của công an, những người bị bắt theo đạo Hà Mòn, nhận chỉ thị từ một tổ chức ở Hoa Kỳ để thành lập nhà nước riêng tại Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam.
Đây là một mánh làm quen thuộc của chính phủ Việt Nam để che giấu sự thật là họ đang truy tố những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo đạo Thiên Chúa. Và đây là chính sách của họ.LS Scott Johnson
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, Luật sư nhân quyền Scott Johnson, cố vấn của Sáng hội người Thượng tại Hoa Kỳ lại cho rằng:
“Đây là một mánh làm quen thuộc của chính phủ Việt Nam để che giấu sự thật là họ đang truy tố những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo đạo Thiên Chúa. Và đây là chính sách của họ. Nó đã được công khai trên các tài liệu của đảng là họ đã truy tố những người tham gia vào các nhóm đạo gia đình, bắt họ phải bỏ đạo, đối xử tàn bạo với họ.”
Trước đó, vào đầu tuần, công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất cũng đã chận bắt một Việt kiều Mỹ với cáo buộc tìm cách thâm nhập Việt Nam hoạt động lật đổ chính quyền.
Người bị bắt là ông Nguyễn Quốc Quân, một thành viên cốt cán của đảng chính trị Việt Tân có trụ sở tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.
Trả lời Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do về vụ bắt giữ này, ông Đỗ Hoàng Điềm – Chủ tịch đảng Việt Tân giải thích:
“Việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cáo buộc với chúng tôi là những suy diễn của họ hầu có thể biện minh cho việc giam giữ tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân và nhất là để xuyên tạc chủ trương và hoạt động của Đảng Việt Tân.”
Đây không phải là lầu đầu tiên ông Nguyễn Quốc Quân bị công an Việt Nam bắt giữ.
Năm nay 59 tuổi, ông Quân đã từng bị bắt một lần vào năm 2008, bị kết án 6 tháng cũng về tội khủng bố. Sau đó, nhờ sự can thiệp từ bên ngoài, ông bị trục xuất về lại Hoa Kỳ.
Được biết, vào thứ Ba tuần tới 15 tháng 5, Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos thuộc Quốc hội Hoa Kỳ sẽ tổ chức một buổi điều trần về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam, trong đó trường hợp của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân sẽ được nêu ra với các Dân biểu Mỹ.
Việt Nam Tuần Qua và Diễm Thi xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý khán thính giả vào giờ này tuần sau!
RFA