PHẦN KẾT. GALATI 6:11-18
Trong phần kết thúc của thư Galati một lần nữa Kinh thánh nêu lên một quan điểm giữa người sùng bái theo luật pháp và Cơ-đốc nhân được Thánh Linh hướng dẫn và cho biết người tin Chúa được Thánh Linh hướng dẫn sống vì vinh hiển Đức Chúa Trời, không vì sự khen ngợi của con người. Lời lẽ trong thư bày tỏ sự cảm xúc sâu xa đồng thời tìm cách bài bác, chống lại những con người duy luật và vạch rõ sự sai lầm của người thiên về Do-thái giáo là trầm trọng biết bao.
Thư Galati bày tỏ rằng kẻ tin sống dưới luật pháp và Cơ-đốc nhân sống dưới ân sủng hoàn toàn đối nghịch nhau. Không chỉ khác nhau về tín lý nhưng còn khác nhau về cách sống. Thư Gal phát lộ hình ảnh giữa: nô lệ và tự do(Gal 5:1-12), xác thịt và Thánh Linh(Gal 5:13-16) và sống ích kỷ riêng cho mình hay sống cho người khác(Gal 6:1-10). Hoặc trong cuối của thư này đã đưa ra sự khác biệt: sống để ngợi khen con người hay làm vinh hiển Đức Chúa Trời(Gal 6:11-18). Vậy động cơ phục vụ Chúa của các Cơ-đốc nhân ngày nay là gì?
Các cộng đồng Cơ-đốc giáo cần xem xét những động cơ phục vụ Chúa. Mỗi một Cô-đốc nhân chắc chắn sẽ biết việc mình đang làm, nhưng chúng ta phải biết tại sao phải làm? Động cơ xấu làm hư hoại công việc tốt. Vấn đề rất tế nhị cần được nói ra một cách thật đúng đắn nghiêm túc. Người sùng bái luật pháp thường ở vị trí cao hơn nên ép buộc tín hữu chịu những điều luật, vì vậy Kinh thánh Galati phần sau này nêu lại Công Tác Cứu Chuộc Của Chúa Giêsu trên thập tự giá.
Bài học này phát lộ ra ba đối tượng”nổi bậc”: Người theo luật pháp chủ trương (Gal 6:12-13); Chúa Giêsu Christ(Gal 6:14-16) và sứ đồ Phao-lô(Gal 6:17-18).
I.Người Theo Luật Pháp Chủ Trương (Gal 6:12-13).
Trong những câu Kinh thánh này cho thấy người theo chủ nghĩa luật pháp chẳng có hành động tốt nào đáng kể, muốn làm đẹp lòng người theo phần xác và sử dụng nhiều phương cách thu hút người khác, xây dựng số đông theo mình để ủng hộ mình. Ngày nay, rất phổ biến chuyện gây dựng số thành viên Hội thánh theo phương án luật trị.
Hình ảnh thập tự giá biểu thị cho:
-sự đoán phạt xác thịt và những nỗ lực chiếm hữu lòng người.
-báo hiệu sự chết cho bản ngã xác thịt cùng những nỗ lực cao nhất của nó.
-sự phân rẽ khỏi điều ác.
Do đó, người thế gian, Do-thái giáo và tín nhân Cơ-đốc theo chủ luật ghen ghét sứ điệp cao trọng của ân sủng Đức Chúa Trời và tìm mọi cách để bắt bớ. Người cậy luật pháp không thật sự quan tâm đến luật pháp. Những con người này được bày tỏ ra bốn khía cạnh thật rõ ràng:
1. Khoe khoang. (Gal 6:12a , 13b)
Mục đích chính của họ không chinh phục linh hồn tội nhân về dâng cho Đấng Christ, hoặc giúp tín nhân được trưởng thành bởi đức tin trong ân sủng của Thiên Chúa. Nhưng mục tiêu hàng đầu là thu phục nhiều người để khoe khoang. Công việc họ làm không vì ích lợi Hội thánh hoặc vinh hiển Đức Chúa Trời; nhưng vì vinh quang của riêng mình hoặc cho người lãnh đạo. Chắc chắn ý muốn đem nhiều người về cho Đấng Christ hoặc nhìn thấy công việc Chúa tiến triển là điều hoàn toàn đúng đắn, nhưng dùng những phước hạnh này nhằm để tôn vinh con người là điều sai.
2.Thỏa hiệp.(Gal 6:12b)
Một minh họa về sự cắt bì bởi luật pháp vẫn còn tồn tại trong Hội thánh qua lời rao giảng và thực hiện phép cắt bì. Có phải chăng bối cảnh buộc họ phải tránh sự bắt bớ? Trong khi ân sủng và sự cứu rỗi của Thiên Chúa không liên hệ với việc làm theo luật pháp Moise. Cho nên có nhiều tín hữu chịu sự đàn áp nặng nề(Gal 5:11). Người sùng bái luật thường cố gắn làm cho mọi người thấy họ là một Cơ-đốc nhân mẫu mực nhằm được kể mình là công chính. Cuối cùng họ không bị bắt bớ vì nhóm người làm theo chủ luật và ngược lại họ bằng lòng tạo thêm sự căng thẳng giữa họ với người sống trong ân sủng của Đức Chúa Trời.
Người theo luật pháp Moise đề cao những nguyên tắc hơn là thập tự giá của Đấng Christ.
3.Tài thuyết phục.(Gal 6:12a)
Chữ ép buộc mang ý nghĩa ra sức thuyết phục thậm chí còn bắt buộc. Những người này thường có khẩu tài bởi họ”gương mẫu trong nguyên tắc”làm cho những tín nhân khác xem như đây là bổn phận của Cơ-đốc nhân. Họ sử dụng kinh nghiệm và việc làm công đức của minh ra để che lấp sự trung thực và chân thật của lời Kinh thánh.
4.Gỉa hình.(Gal 6:13)
Họ muốn anh chị em trong Hội thánh làm theo luật Moise, nhưng trong khi chính họ không thể làm được hoặc không muốn làm(Mat 23:3). Đây là sự biểu hiện sự không thành thật vì trong ý định tuân theo luật pháp của họ chỉ nhằm làm chiếc mặt nạ che đậy mục tiêu thật, thu phục nhiều người vì lợi ích của con người và khi Hội thánh có con số tín hữu nhiều thì họ được nổi tiếng.
II.Chúa Giêsu Christ (Gal 6:14-16).
Khi chú ý chúng ta sẽ thấy thư Galati đề cập nhiều đến thập tự giá của Đấng Christ(Gal 2:20-21, 3:13, 4:5, 5:11, 6:12)”Nếu bởi luật pháp mà được xưng công chính thì sự chết của Đấng Christ là vô ích”(Gal 2:21). Từ vườn Ghêtsêmanê đến đồi Gôgôtha đầy những vết thương đẫm máu trên thể xác của Đấng Christ. Trong Phúc-âm thật thì khoe ra, rao giảng ra sự đau thương này và chính Chúa Giêsu cũng công bố cho những ai dự Tiệc thánh” hãy làm và hãy nhớ đến Ngài”và thư 1Corinhto 11:24-26 ”không chỉ nhớ mà còn rao sự chết của Christ cho đến khi Ngài trở lại.”
Một Cơ-đốc nhân trung kiên biết khoe về Đấng Cứu-thế bị đóng đinh không xem đây là việc xấu hỗ, không xem đây là một dụng cụ hành hình tử tội; nhưng khi nhìn vào thập tự giá của Đấng Christ đầy vinh hiển và quyền năng của tình yêu cao cả, với ân sủng dư dật.
1.Cơ-đốc nhân nhìn biết Chúa Giêsu trên cây thập tự. Thư Galati nhắc đến Chúa Giêsu 45 lần. ¾ số câu đề cập để cập tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chinh phục Phao-lô và nhiều người qua bao nhiêu thế kỷ nay. Đối với sứ đồ Phao-lô sự hiện diện của Ngài không chỉ tại buổi trưa trên đường tới Damach mà Ngài mãi mãi đang ở với ông, ở trong ông. Khi trước ông có nhiều phúc lợi, thành tích và sự hãnh diện về đạo Giuđa(Gal 1:13-14; Phil 3:1-10); nhưng sau khi gặp Đấng Christ tất cả những vinh quang riêng của ông đã trở nên rơm rác. Người tuân theo luật pháp không thể khoe mình về thập tự giá của Chúa Giêsu nhưng thích khoe mình về luật pháp với cả những việc làm.
Cơ-đốc nhân thật sự chẳng nên khoe về phần xác của con người, nhưng phát lộ thập tự giá của Đấng Christ ra.
2.Cơ-đốc nhân nhìn biết quyền năng về thập tự giá của Đấng Christ. Đối với người Do-thái giáo uyên bác, thì tín lý hy sinh trên thập tự giá là điều hết sức vô lý. Họ không nghi ngờ việc Đấng Mesia sẽ đến nhưng họ thể chấp nhận Đấng Mesia lại chịu chết cách nhục nhã, nhất là chết tại đồi Gôgôtha và treo thân trên thập tự giá như một tội phạm. Đây là điều họ không thể tin được. Nhưng Saulơ người Tatsơ trở thảnh Cơ-đốc nhân chỉ vì ông đã kinh nghiệm quyền năng của thập tự giá của Đấng Christ và từ đó ông trở nên một sứ giả lẫy lừng về việc rao giảng thập tự giá của Ngài ra cho mọi người.
Theo Phao-lô, thập tự giá có nghĩa là tự do: khỏi sự ràng buộc của bản ngã(Gal 2:20), xác thịt (Gal 5:24)và thế gian(Gal 6:14). Qua sự chết, sự sống lại của Giêsu đầy quyền năng của Đức Chúa Trời được tỏ ra để ban cho người tin Ngài sự buông tha và vinh hiển. Cơ-đốc nhân không còn sống cho chính mình, nhưng Đấng Christ sống trong họ và ở luôn trong họ. Vì sự vâng phục Ngài nên Cơ-đốc nhân đắc thắng thế gian và xác thịt. Chắc chắn luật pháp không khiến con người chiến thắng xác thịt, bản ngã và các lề luật. Bởi vì con người thích thổi phồng cái tôi, tôn vinh xác thịt và muốn làm tô đẹp thế gian; Cơ-đốc nhân trong ân sủng thì đã chịu đóng đinh ba điều ấy trên thập tự giá với Đấng Christ.
3.Cơ-đốc nhân nhìn biết mục đích thập tự giá của Đấng Christ. Sâu nhiệm của sự nhìn biết thập tự giá của Đấng Christ đã mang vào thế gian”một dân tộc mới của Đức Chúa Trời.” Trải qua nhiều thế kỷ, người Israel là tuyển dân của Đức Chúa Trời và luật pháp là cách sống của họ. Tất cả điều này chuẩn bị sự ra đời của Chúa Giêsu (Gal 4:1-7). Bây giờ Ngài đã đến và hoàn tất công tác cứu rỗi theo chương trình của Đức Chúa Trời đã hoạch định từ trước. Đức Chúa Trời , Ngài đã để dân tộc Israel qua một bên và mang vào một dân tộc mới. Người Giuda và người Ngoại Bang thành “một dân cho danh Ngài”(Côngv 15:14)không có sự phân biệt(Gal 3:27-29).
3.1 Mục đích của thập tự giá là”sinh ra một tạo vật mới”(Gal 6:15). “Tạo vật mới” này là Hội thánh, thân thể Đấng Christ không thất bại nhưng sẽ gặt hái có kết quả. Cơ-đốc nhân chân chính là được sự biến đổi(tái sinh)người xấu trở nên tốt, biến kẻ nô lệ trong tội lỗi trở nên con cái của Thiên Chúa. Khi sinh ra trong thế gian, mọi con người điều là tội nhân, bất lực và bị định tội. Hết thảy những nỗ lực để tự cứu, hay để phụ giúp Thiên Chúa cứu rỗi bằng những đức tính tốt, hay việc lành, tất cả đều vô ích, cuối cùng họ vẫn không được biến đổi.
Sự dựng nên mới được khai sinh bởi sự sống lại của Chúa Giêsu và sự dựng nên con người mới đều hoàn toàn thuộc vào công việc tái sinh của Chúa Thánh Linh trong Đấng Christ bởi ý định của Đức Chúa Trời. Đời sống mới được sản sinh không phải để phụ thuộc vào lề luật nhưng bởi sự đầu phục tin nhận Đấng Christ và đồng thời bằng lòng hạ mình để Thánh Linh Ngài hoàn toàn chiếm hữu ngự vào. Bây giờ sự sống mới được hình thành đầy trọn phẩm chất Thánh Linh và phát triển theo ơn Chúa ban cho mà phát lộ ra bên ngoài.
Thánh thư gởi cho người Lamã có lời giải thích về hai con người A-dam: A-dam và Chúa Giêsu(Rom 5:12-21).
-A-dam đầu tiên bởi sự không vâng lời đã mang tội lỗi vào thế gian. Khiến xảy ra sự đoán phạt và sự chết xuất hiện.
-A-dam sau cùng(Chúa Giêsu)vâng phục Đức Chúa Trời(2Cor 15:45)đem lại sự sống, công chính và cứu rỗi.
Người tin Chúa Giêsu thuộc về “tạo vật mới”, tạo vật thiêng liêng không cảm biết gì về khiếm khuyết và giới hạn của tạo vật cũ(2Cor 5:17).
3.2 Mục đích thứ hai, thập tự giá tạo ra một dân tộc mới” người Israel của Đức Chúa Trời(Gal 6:16). Đây là một tên trong nhiều tên gọi cho Hội thánh được ghi nhận trong Kinh thánh Tân-ước. Chúa Giêsu công bố:”…nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết quả của nước đó”(Mat 21:43). Phi-e-rơ đã nhận biết:”Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời…”(1Phie 2:9).
Thật xấu hỗ khi ai đó lại muốn dẫn Hội thánh Chúa ngày nay trở lại với luật pháp thời Cưu-ước. Trong khi người Israel không thể giữ nỗi luật pháp ấy! Dân tộc ấy đã chay cứng trong lề luật và bị đặt qua một bên để dọn đường cho một dân tộc mới của Đức Chúa Trời, là Hội thánh!
Ngay nay, Cơ-đốc nhân có thể không phải là con cháu Apraham về phần xác, nhưng là dòng dõi Apraham trong đức tin nơi Chúa Giêsu (Gal 4:28-29). Cơ-đốc nhân đã kinh nghiệm sự cắt bì trong lòng công hiệu hơn là việc cắt bì theo xác thịt(Phil 3:3; Rom 2:29; Col 2:11). Vì lý do này, chẳng phải việc cắt bì hay không cắt bì là điều cân đối với Đức Chúa Trời(Gal 6:15, 5:6)
III.Sứ Đồ Phao Lô (Gal 6:17-18).
Theo thư Philip 3:4-6. Phao-lô đã tự hào về dấu cắt bì của mình, nhưng sau khi tin Chúa, ông mang những dấu khác có ý nghĩa hơn và hãnh diện về những dầu vết mình đã nhận và lòng tự hào những đau đớn mình đã chịu. Người thờ tà thần mang lấy nhãn hiệu của tà thần đó. Người ta tự hào về tà thần của mình và muốn cho nhiều người khác biết về điều đó. Cũng vậy, Cơ-đốc nhân mang lấy nhãn hiệu của Đấng Christ thì cũng nên khoe” nhãn hiệu Đấng Christ” ra cho mọi người. Người nô lệ bị ấn dấu nô lệ vào thân thể để đánh dấu mình là một nô lệ, chẳng những chính bản thân người đó biết mình là một nô lệ đồng thời cũng cho mọi người nhận biết đây là tên nô lệ. Cơ-đốc nhân phải nhận biết mình cũng vậy”tôi tớ hay nô lệ” của Đấng Christ.
Tội lỗi cũng ghi dấu tích rõ trên con người. Nó có thể in sâu trong tâm trí, cá tính và ngay cả trên thân thể. Ít ai hãnh diện về tội lỗi. Sự tin đạo cũng không xóa chúng được. Nhưng chúng ta hãy cảm tạ Đức Chúa Trời vì danh Ngài mà Ngài biến đổi chúng ta hoàn toàn khi Chúa Giêsu trở lại.(Phil 3:21)Amen!
Cảm tạ ơn Chúa đã cho chúng ta có cơ hội học biết chương trình và ý muốn của Ngài trên mọi đời sống chúng ta qua thư tín Galati. Ấy là ân sủng và đức tin đến từ sự ban cho của Thiên Chúa(Eph 2:8). Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ ở trong lòng anh em!
Ms. Lê Quý Hữu