KHẢO CỨU. THƯ TÍN Galati 5:13-15
4. Tự Do Trong Thánh Linh.
Những người sủng bái luật pháp, sử dụng nhiều nổ lực cậy nơi con người vì họ nghĩ mình sẽ có câu giải đáp cho nan đề trong luật pháp; Nhưng Thánh kinh cho biết không có sự tuân giữ luật pháp nào có thể biến đổi căn nguyên tội lỗi trong con người.
- Biến đổi mới lạ. Sự biến đổi từ tội nhân trở nên thánh đồ và từ chỗ bất chính trở nên công chính không phải do sự tác động bên ngoài bằng nhiều sức nổ lực hoặc cố gắn để trở nên tốt hơn; nhưng việc ấy phải được xử lý bằng tình yêu từ Thiên Chúa ngự trong lòng bởi Chúa Thánh Linh vận hành cáo trách, việc làm nầy của Thánh Linh sẽ tác động làm biến đổi cuộc đời con người. Người đó sẽ cảm nhận mình bất toàn là tội nhân trước sự hiện hữu của Đức Chúa Trời thánh khiết Toàn Năng.
Do đó, Cơ-đốc nhân cần một năng quyền tác động và sức mạnh đó đến từ ý định Đức Chúa Trời:” Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài là Đức Chúa Trời tôi! Tôi tôn sùng Ngài, tôi ngợi khen danh Ngài; vì Ngài đã làm những sự mới lạ, là những mưu đã định từ xưa, cách thành tín chân thật. ” (Esai 25:1).
-Sanh ra theo Thánh Linh. Trong Kinh thánh thư Galati có ít nhất 14 lần đề cập đến Đức Thánh Linh. Khi Cơ-đốc nhân tin vào Đấng Christ. Đức Thánh Linh chiếm hữu đời sống, Ngài ngự vào lòng người đó (Gal 3:2). Cơ-đốc nhân được “sanh ra theo Thánh Linh”như Ysac (Gal 4:29)và Ngài bảo đảm cho sự cứu rỗi cho chúng ta (Gal 4:6). Đức Thánh Linh có thể khiến Cơ-đốc nhân sống theo Đấng Christ và đời sống tín nhân đó có đủ năng lực làm sáng danh Đức Chúa Trời để danh Ngài được vinh hiển. Đức Thánh Linh không chỉ là “ảnh hưởng Đức Chúa Trời”; Ngài còn là một thân vị, giống như Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con. Những gì Đức Chúa Cha hoạch định cho Cơ-đốc nhân, theo sự định trước của chương trình cứu rỗi Đức Chúa Trời, Đức Chúa Con chịu hạ mình để chuộc Cơ-đốc nhân tại thập tự giá.
Qua đó, chính Chúa Thánh Linh bày tỏ cho Cơ-đốc nhân áp dụng vào đời sống và tín nhân ấy đủ khả năng để vâng phục Ngài và Ngài sẽ khiến Cơ-đốc nhân tự do làm trọn luật yêu thương.
-Giữa hai thái cực. Bởi sự thiếu tra xem Kinh thánh hoặc ít suy gẫm lời Đức Chúa Trời, không ít người thích làm theo tổ chức con người, họ thích thêm vào ân sủng của Đức Chúa Trời và chọn lựa theo truyền thống cho phù hợp với hoàn cảnh hoặc có thể bớt ra một số điều cho thích nghi với giáo hệ. Cho nên, khi cơn gió giáo điều thổi vào êm tai Cơ-đốc nhân thường bị xoáy vào khuynh hướng cực đoan. Một nhóm tín nhân hiểu rằng mình có thể làm bất cứ điều gì mình ưa thích. Nhóm tín hữu khác, thì cho rằng làm điều này sai, trong họ có thái độ ngược lại như một sự đối kháng bằng cách áp đặc luật pháp để giải quyết.
Sự tự do thật của Cơ-đốc nhân nằm giữa hai thái cực này.
-Giải thoát. Chính vì sự việc đã nêu trên nên thư tín Galati có lời mạnh mẽ giải thích, với lời kêu gọi dành cho Cơ-đốc nhân: ” Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do…”. Cơ-đốc nhân là người tự do. Người đó được tự do trong ý nghĩa là được giải thoát ra khỏi sự đoán phạt dành cho tội nhân, ra khỏi sự định tội vì đã kinh nghiệm ơn tha thứ của Đức Chúa Trời. Người tự do thoát khỏi tội đáng phải chết vì chính Đấng Christ đã chết thay cho người trên thập tự giá. Đồng thời Thánh Linh giải cứu người khỏi mọi quyền lực của tội lỗi trong đời sống hằng ngày. Kinh thánh Rô-ma tuyên bố rằng: ” Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ; 2 vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Đức Chúa Jêsus Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết. 3 Vì điều chi luật pháp không làm nổi, tại xác thịt làm cho luật pháp ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì cớ tội lỗi sai chính Con mình lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi chúng ta, và đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt, 4 hầu cho sự công bình mà luật pháp buộc phải làm được trọn trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh.”(Rom 8:1-4).
Thánh Linh Đức Chúa Trời tiếp tục giải thoát Cơ-đốc nhân khỏi mọi đòi hỏi và sự đe dọa của luật pháp vì Đấng Christ đã gánh chịu sự rủa sả của luật pháp và chấm dứt sự hà khắc của chủ luật đang đè nặng trên một nô lệ. Chúa Giê-su Christ làm một lần đủ cả cho Cơ-đốc nhân.
- Dịp tiện cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt? Cơ-đốc nhân”được Đức Chúa Trời kêu gọi đến nhận lấy sự tự do”vì tín nhân “được gọi đến bởi Chúa Giê-su Christ”(Gal 1:6) Ân sủng và sự tự do luôn là bạn hữu đồng hành cho Cơ-đốc nhân ở trong Christ. Dẫu vậy, Cơ-đốc nhân phải lưu ý ” chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt ”. Đây là sự lo sợ của nhiều Cơ-đốc nhân không hiểu ý nghĩa thật của ân sủng Đức Chúa Trời và họ thường kêu gào rằng”nếu anh chị em bỏ các luật lệ và phép tắc sẽ tạo ra sự hỗn loạn và rối ren.” Đương nhiên sự nguy hiễm đó có thật, có thể xảy ra?
Theo Kinh thánh cho biết, không do thiếu ân sủng Đức Chúa Trời, nhưng vì người đó trật phần ân sủng Đức Chúa Trời (Heb 12:15). Nếu có ân sủng thật của Đức Chúa Trời (1Phie 5:12)thì cũng có ân sủng giả; vì có những giáo sư giả”đổi ơn Đức Chúa Trời ra việc tà ác”(Giu-de 1:4). Vì vậy, lời cảnh báo trên rất có giá trị.
Sự tự do của Cơ-đốc nhân không phải là giấy phép để phạm tội, nhưng là cơ hội để phục vụ Thiên Chúa.
-Chìa khóa cho mọi hành động. Lời cảnh báo được Kinh thánh Galati tiếp tục răn dạy với một mạng lệnh: ”Hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau”. Chìa khóa dành cho hành động phục vụ Thiên Chúa là “yêu thương”: sự yêu thương + sự tự do = phục vụ người khác. Cũng một thể ấy nó có thể xảy ra: sự yêu thương + sự tự do = phúng túng (nô lệ tội lỗi).
Điều kỳ diệu khi tình yêu trào dâng nó có thể thay thế tất cả luật pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho.” Hãy yêu kẻ lận cận như mình”sẽ giải quyết mọi nan đề trong mối quan hệ của con người (Rom 13:8-14). Cơ-đốc nhân yêu thương con người(vì yêu Đấng Christ), sẽ không lấy của cải của họ, sẽ không nói dối về họ, không ganh tỵ với họ và sẽ không tìm cách làm hại họ.
Tình yêu thương trong lòng là điều Đức Chúa Trời thay thế cho luật pháp và sự đe dọa.
Đức Thánh Linh ngự bên trong sẽ ban cho Cơ-đốc nhân tình yêu họ cần có(Rom 5:5; Gal 5:6,22). Một khi đánh mất tình yêu thì chắc chắn con người sẽ “cắn nuốt nhau” và nguy cơ sẽ tiếp tục xảy đến việc tiêu diệt lẫn nhau (Gal 5:15). Cơ-đốc nhân thấy rõ rằng luật pháp không thể buộc con người hòa thuận với nhau. Cho dù Hội thánh có thể thừ nhận bao nhiêu luật pháp và các tiêu chuẩn, cũng không có sự bảo đảm nào về sự thiêng liêng trong Hội thánh. Nếu Thánh Linh không đổ đầy tình yêu Ngài vào trong cộng đồng Cơ-đốc giáo, sự ích kỷ, sự tranh cạnh sẽ tràn ngập và ngự trị. Cả hai thái cực trong Hội thánh: những người sùng bái làm theo luật pháp và những người phóng túng, đều cùng là những men phá hoại mối thông công.
Đức Thánh Linh không hành động xa rời Cơ-đốc nhân, Ngài dùng lời Kinh thánh, sự cầu nguyện, thờ phượng và mối thông công trong cộng đồng tín nhân để gây dựng họ được lớn lên hơn mỗi ngày trong Dấng Christ. Khi tín nhân có thời gian suy gẫm lời Đức Chúa Trời, cầu nguyện không thôi và vâng phục công việc Thánh Linh sẽ hưởng tự do và giúp ích Hội thánh. Xin chúng ta cùng đọc thêm 2Cor 3:1-18 để hiểu biết thêm về cách giải thích về sự khác nhau giữa chức vụ thiêng liêng của ân sủng và công việc xác thịt của luật pháp.
Ms.Lê Quý Hữu