---

dailyvideo

Tổng số lượt xem trang

Khảo Cứu sách Rô-ma và Ga-la-ti (Phần Kết Nối qua chương II)


PHẦN KẾT NỐI QUA CHƯƠNG HAI

ĐỨC TIN KIỆN TOÀN
    Bài học (chương 01) trước quí vị thấy gì qua một con người Sau-lơ sốt sắng theo luật pháp?  Có phải quá gian ác không?  Tội ác tột đỉnh khi ông đi tàn sát bắt bớ những ai tin theo Phúc-âm!(Gal 1:13-14).    Vậy, chúng ta cần quan sát lại một lần nữa để vững vàng hơn khi tra xem chương hai.   Các giáo sư Do-thái giáo thực sự dạy con người theo ý riêng thuộc về thế gian, họ quá nhẩn tâm.  Qua các việc sau, chúng ta sẽ hiểu tại sao Chúa Jesus cân nhắc mọi người rằng phải làm cho trọn luật pháp và lời tiên tri(Mat 5:17). Họ đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ đức tin nơi lời Đức Chúa Trời(Mat15:6). 
    Thật nguy hiểm cho chúng ta ngày nay cũng vậy.  Hãy cẩn thận! khi ai đó dạy giáo dân quá chú trọng buộc người khác theo luật để rồi xóa dần lời Chúa ra khỏi tâm trí họ, khiến họ đánh mất đức tin nơi Chúa Jesus mà kính sợ các ông chủ “độc tài”.  (Tôi không cố ý lên án hoặc xét đoán các “giáo sư Do-thái giáo” xưa và nay). Sau đây chúng ta sẽ thấy những việc ác của các “ông chủ”thời Chúa Jesus và cũng đừng quên rằng ngày nay một số người đang chủ trương đi vào “quỷ đạo” nầy!  Con người xưa và nay rất quỷ quyệt: Đồng hóa Chúa Jesus với các nhân vật trong Kinh thánh khi giảng dạy!  Họ ca ngợi Áp-ra-ham, Môi-se, Sa-lô-môn…Giống như các tôn giáo khác trong thế gian. Khi họ đã đồng hóa Chúa Jesus như những danh nhân được rồi thì họ tự loại Chúa Jesus ra khỏi lời giảng dạy của mình và chỉ chăm vào quan điểm riêng của con người, nhất là làm theo lời phán từ một “ông chủ” nào đó.  Chúng ta nên nhớ rằng chính Chúa Jesus cũng giảng dạy về Ngài cho các môn đồ:  ” Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh thánh” (Lu-ca 24:27).  Chúng ta tra xem những con người chú trọng hóa về luật pháp nhưng họ có thật sự làm theo luật pháp hay không?
    Thật ra Kinh thánh chỉ bày tỏ các nhân vật nầy như những minh họa để cho con người dễ hiểu khi tra xem Kinh thánh để biết ý muốn của Thiên Chúa.

1/.Tội ác y như vua Pha-ra-ôn tại Ê-díp-tô (Xuất 1:15-2):
    Vua Hê-rốt thấy mình đã bị mấy thầy bác sĩ đánh lừa, thì tức giận quá, bèn sai giết hết thảy con trai từ hai tuổi sấp xuống ở thành Bết-lê-hem và cả hạt, theo đúng ngày tháng mà mấy thầy bác sĩ đã cho vua biết”(Mat 2:16). Vì Giăng có can vua rằng: Vua không có phép được lấy người đó làm vợ. Vua muốn giết Giăng, song sợ dân chúng, vì họ đều tôn Giăng là đấng tiên tri(Mat 14:4-5).
    “Một vị vua cai trị dân sự Y-sơ-ra-ên thờ phượng Thiên Chúa theo luật pháp và lời tiên tri mà như vậy thì sao?”

2/. Chúa Jesus cảnh báo:
    Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng mấy thầy đó, thì phán rằng: Nhân sao trong lòng các ngươi có ác tưởng làm vậy?(Mat 9:3).
    Nhưng hãy giữ mình về men của người (kẻ giữ Luật pháp nghiêm ngặt)Pha-ri-si và Sa-đu-sê. Bấy giờ môn đồ mới hiểu rằng Ngài chẳng bảo giữ mình về men làm bánh, nhưng về đạo(một chủ trương khác tương tự) của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê.(Mat 16:11-12)
  • Những người Pha-ri-si đi ra ngoài rồi, bàn với nhau, lập mưu đặng giết Ngài.(Mat 12:14)
  • Như vậy, các ngươi đã vì lời truyền khẩu mình mà bỏ lời Đức Chúa Trời.(15:6).
  • Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm.  Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra(Mat 15:8-9).
  • Dòng dõi hung ác gian dâm nầy xin một dấu lạ; nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ chi khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na.( Mat 16:4).
  • Cuối cùng Chúa Jesus kết luận:”Hỡi dòng dõi không tin và gian tà kia, ta sẽ ở với các ngươi cho đến chừng nào?(Mat 17:17).

    Tôi chỉ nêu một vài điều minh chứng bày tỏ cho chúng ta thấy một minh họa về trái của họ đã sản sinh ra một Sau-lơ hủy hoại Hội thánh của Thiên Chúa và ngày nay vẫn còn nhiều Sau-lơ khác tương tự đã mưu mô theo kế ma-quỉ khiến Hội thánh qua nhiều quan điểm làm sự chia rẽ Hội thánh mỗi ngày càng lúc càng xa rời nhau và xa rời lời Thiên Chúa. 
    Chúng ta nên quay lại với Kinh thánh với Chúa Jesus là cội rễ cuối cùng của đức tin! Tại sao chúng ta là ai mà dám loại Chúa ra khỏi sự dạy dỗ? 
Cho dù bạn là ai, thì bạn cũng phải cần đức tin, tin nhận Chúa Jesus!  Có thể trong quá khứ tôi và bạn có nhiều lần chống nghịch với Phúc-âm: qua cách sống, qua lời nói và những việc làm… “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm”.( ICo 10:31 
    Phúc-âm –ban ân điển cứu rỗi đã có từ xa xưa trong ý định của Thiên Chúa rồi.. Chúng ta hãy xác định cho rõ không thì bị dỗ dành sai lạc Phúc-âm, Phao-lô nói:” khi Đức Chúa Trời, là Đấng đã để riêng tôi ra từ lúc còn trong lòng mẹ, có nghĩa là Ngài đã dành sẵn cho chúng ta ân điển của Ngài từ lâu rồi, điều ấy là :…”Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, Và lòng người chưa nghĩ đến, Nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài” (ICo 2:9).  Đây là kế hoạch trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, Ngài có cần phải bàn bạc cùng ai trong vòng con người không? Ngài là Đức Chúa Trời Toàn năng- Toàn quyền, nhưng Ngài yêu các con Ngài trong Thiên ý đã định đây là ơn, là ân điển!

3/.Chúa Jesus và các luật pháp:
    Chắc hẳn sẽ có nhiều người được ban thưởng những phước lành thông qua việc tin nhận Ngài là Cứu Chúa của mình.  Nhưng vẫn có người sẽ nghi ngờ rằng làm sao, bao giờ tôi mới đạt được những điều ấy? sự công chính làm sao có được? Và sự công chính ấy sẽ đến từ đâu?  Nhiều người phân vân đồng thời họ nói rằng:” Luật pháp Moise thì sẽ thế nào?  Trong luật pháp Moise, chắc chắn Đức Chúa Trời bày tỏ những tiêu chuẩn cho đời sống thánh khiết và Do-thái giáo với những con người luôn luôn cố gắn làm theo.  Nhưng Chúa Jesus Christ công bố: ” nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng” (Mat 5:20). 
    Ngài phán cùng họ rằng: “Các ngươi làm bộ công bình qua mặt người ta, song Đức Chúa Trời biết lòng các ngươi; vì sự người ta tôn trọng là sự gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời. Luật pháp và các lời tiên tri có đến đời Giăng mà thôi; từ đó, tin lành của nước Đức Chúa Trời được truyền ra, và ai nấy dùng sức mạnh mà vào đó. Trời đất qua đi còn dễ hơn một nét chữ trong luật pháp phải bỏ đi”(Lu-ca 16:16).
    Trong những ngày sống trên đất mục vụ của Ngài dường như bất chấp luật pháp: Ngày Sa-bat, những truyền thống-phép tắc.  Sự giao du…tất cả có vẻ trái ngược luật pháp.
    Luật pháp của Moi-se có 613 điều luật nhưng Hội thánh Tin lành người Việt Nam ngày nay người ta bỏ hết thảy chỉ lấy 10 điều răn?  Còn những điều kia thì sao?  Chỉ phạm một điều kể như là phạm hết thảy, nhưng bỏ đi 603 điều, chỉ học và áp dụng 10 điều.  Trong 10 điều răn đó thử hỏi dân chúng Tin Lành sẽ làm trọn được mấy điều?  Trong khi Chúa Jesus công bố chỉ còn lại hai điều trong cả luật pháp và lời tiên tri(Kinh thánh Cựu-ước):  Kính mến Chúa và yêu con người(Mat 22:37-40).  Có nhiều người họ cho rằng họ có thể kính mến Chúa qua việc làm trọn luật pháp nhưng Chúa Jesus cho rằng chưa đủ phải bán hết gia tài phân phát cho người nghèo.   Nếu nói luật pháp thì đây là luật! (Gi 13:34) “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy”.  Ngài cảnh báo cho chúng ta ngày nay rằng: họ đang ngụy tạo tôn giáo giả mọi sự trong họ chỉ là vỏ bọc bên ngoài.  Nó khiến cho con người trở nên kêu ngạo; nó đưa con người sự ràng buộc và dẫn đến sự chối bỏ đức tin.
    Khi nghiên cứu kỹ chúng ta thấy rằng chính những con người nầy đã đánh đổ luật pháp vì họ làm cho dân sự mất đi LỜI của Đức Chúa Trời.  Một bằng chứng nữa là họ phủ nhận Chúa Jesus khi Ngài hiện thân trong thế giới con người, Ngài đã bày tỏ và chứng nhận chân lý cứu rỗi có thể khiến con người nên công chính chỉ bởi tin, trong khi luật pháp không thể khiến con người trở nên công chính, vì không ai có thể làm trọn:” Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời;vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi.(Rom 3:19-20). 

  • (Mat 5:17b). Chúa Jesus đã làm trọn luật pháp trong mọi khía cạnh của đời sống
  • Trong sự giáng sinh, Ngài đã làm trọn luật pháp vì “Ngài đã sinh ra dưới luật pháp”(Gal4:4).
  • Mọi nghi thức qui định cho một bé trai người Do-thái đều được ông Gio-sep và Ma-ri a, mẹ Ngài thực hiện.  Chắc chắn Ngài đã thực hiện trọn luật pháp trong cuộc sống, nên không ai có thể cáo buộc.
  • Ngài cũng làm trọn luật pháp trong sự giảng dạy.  Chính điều nầy đã đưa đến mâu thuẫn giữa Ngài và các lãnh đạo tôn giáo.  Ngài đem dân chúng trở lại với LỜI Đức Chúa Trời và Ngài cũng dạy LỜI ấy một cách mời mẻ và sống động.
  • Bởi sự chết của Chúa Jesus, Ngài đã làm trọn luật pháp và Ngài đã nhận lãnh sự rủa sả của Luật pháp(Gal 3:13).
  • Chúa Jesus Christ, Ngài đã làm xong các kiểu mẫu cùng nghi lễ thời Cựu-ước để dân Chúa không còn thực hiện theo những đòi hỏi của luật pháp và Ngài bỏ qua giao ước cũ đồng thời ban tặng một giao ước mới(Heb 9:1-10:39).
  • Chúng ta tìm cách dạy và giữ luật pháp(Mat 5:19).  Điều này không có nghĩa là chúng ta coi trọng Cựu-ước bỏ qua Tân-ước.  Ngày nay, chúng ta là phải những tín hữu biết phục vụ giao-ước mới(2Cor 3) luật pháp Đức Chúa Trời không thay đổi, nhưng vâng theo luật pháp ghi trong lòng vì tinh yêu Chúa Thánh Linh dạy dỗ chúng ta bằng lời của Thiên Chúa và giúp chúng ta vâng theo.  Tội lỗi vẫn là tội lỗi và Thiên Chúa vẫn đoán phạt tội lỗi xuyên suốt mọi thời đại.
  • Tóm lại: Qua những phần trình bày trên chúng ta thấy rõ: luật pháp đã được làm trọn trong Đấng Christ cách hoàn toàn nên chúng ta không cần đến đền thờ do bàn tay con người tạo nên nữa(Congv 7:48)hoặc những nghi thức tôn giáo(Col 2:10-13).  Phương cách ngày nay dành cho chúng ta ngày nay là vâng phục Chúa Thánh Linh và để Ngài hoàn toàn hành động trong chúng ta(Rom 8:1-3).  Đức Chúa Thánh Linh sẽ khiến chúng ta kinh nghiệm”sự công chính của luật pháp”trong đời sống hàng ngày của chúng ta.  Điều nầy không có nghĩa là chúng ta sống cuộc đời hoàn toàn không có tội, nhưng có nghĩa là Đấng Christ sống cuộc đời của Ngài qua chúng ta bởi quyền năng của Thánh Linh(Gal 2:20).

4/.Chúa Jesus vô hiệu hóa các bộ luật cũ (Mat 5:21-48):
    Chúa Jesus Christ đã vô hiệu hóa luật pháp của giao-ước cũ.  Chúng ta thấy, Chúa Jesus đã sử dụng sáu điều răn trong luật pháp để giải thích dưới ánh sáng của đời sống mới và Ngài đã thay đổi tận nền móng mà không là đổi thay những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.  Sự công chính thật của Ngài là đối phó với mọi thái độ cùng những ý định trong lòng con người chứ không chỉ hành động bên ngoài. Đích thực của thái độ công chính là ở trong tấm lòng,  tôi chỉ minh họa vài điều để làm sáng tỏ ý muốn của Chúa Jesus:
  • Minh họa Giết người:
Giết người(5:21-26; Xuất 20:13).  Giận dữ là một việc làm ngu dại nó biến chúng ta thành kẻ phá hoại thay vì xây dựng.  Sự giận dữ chất chứa trong lòng và nung nấu ý muốn làm hại người khác.  Giận dữ cướp mất trong chúng ta sự tự do dẫn đến sự chửi mắng.  Chúng ta giận một người nào đó tức là trong lòng chúng ta đã phạm tội giết người (Giă 3:15):
  • Giận anh em mình; -Mắng anh em mình; -Rủa sả anh em mình.
Ba hành vi nầy đều đáng bị xử án như tội giết người.  Theo điều luật nầy của Moi-se thì có người bị giết chết thì việc xử án mới hình thành.  Nhưng lời răn dạy của Chúa Jesus thì chẳng có ai chết nhưng luật vẫn phải thi hành khi: -Giận -Mắng -Rủa sả anh em mình.  Nếu ai cũng sống theo như Chúa Jesus răn dạy thì mọi luật pháp bị vô hiệu hóa.
  • Minh họa Sự trả thù:
Sự trả thù(5:38-42; Lev 24:19-22).  Luật pháp vốn công bằng nhằm ngăn chận không buộc kẻ phạm tội trả giá đắc hơn tội đáng phải nhận và ngăn ngừa tư thù cá nhân.  Chúa Jesus thay đổi điều nầy bằng một thái độ, người phục vụ Chúa hãy sẵn lòng chịu đau khổ mất mát hơn là gây cho người khác đau khổ và chấm dứt cuộc tranh chấp dai dảng bất an.  Chúng ta có thể bị tổn thương, nhưng bị tổn thương bên ngoài còn tốt hơn trong lòng bị đau đớn.   Trong việc ứng xử mỗi ngày chúng ta nên biết rằng bạo lực phát sinh từ sự yếu đuối hèn nhát chứ không phải từ sức mạnh.  Chính con người mạnh mẽ mới có thể yêu thương và chịu đựng tổn thương.
Yêu kẻ thù(5:43-48; Lev19:17-18).  Chúa Jesus muốn chúng ta là làm thay đổi ý chí, không chỉ là cảm xúc, nên Ngài có quyền đòi hỏi chúng ta yêu kẻ thù mình vì chính Ngài đã yêu chúng ta khi chúng ta còn là kẻ thù nghịch Ngài(Rom 5:10).  Chúng ta có thể bày tỏ tinh yêu nầy bằng cách chúc phước cho người rủa sả chúng ta, làm điều tốt cho họ và cầu thay cho họ.  Khi chúng ta cầu nguyện cho họ thì lúc ấy sự yêu thương của mình đến với họ và loại bỏ được”nọc độc”ra khỏi thái độ của chúng ta.

Chúa Jesus đưa ra một số lý do cho thấy:
  • Yêu kẻ thù là dấu hiệu của sự trưởng thành, chứng tỏ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời.
  • Yêu kẻ thù là chúng ta giống Thiên Chúa.  Ngài vẫn ban những điều tốt cho kẻ chống nghịch Ngài.
  • Yêu kẻ thù là hành động tạo ra bầu không khí phước hạnh giúp chúng ta dễ dàng thu phục kẻ thù và khiến họ làm bạn với chúng ta.
  • Yêu kẻ thù là lời chứng cho nhiều người” những gì chúng ta đang làm có hơn gì những kẻ khác không?”
  • Minh họa những hành vi:  Hãy Giữ”những việc…?”(6:1-7:5).  Chúa Jesus không lên án những việc làm:  việc bố thí cho kẻ nghèo, sự cầu nguyện, sự kiệng ăn và việc sử dụng của cải. Đây là những hành vi quan trọng của chúng ta xảy ra hàng ngày trong cuộc sống, Ngài khuyến cáo chúng ta phải chắc chắn trong lòng ngay thẳng khi thực hiện những việc làm nầy đừng ngụy tạo tưởng chừng mình đã làm theo luật.
  • Sự Bố Thí (Mat 6:1-4).   Hành vi của việc làm nếu chúng ta mong cho người ta thấy và biết đồng thời đòi hỏi Thiên Chúa ban ơn lại.  Cả hai động cơ ấy đều sai.  Không có số lượng bố thí nào đủ để mua sự cứu rỗi, vì sự cứu rỗi là sự ban cho từ Thiên Chúa (Eph 2:8-9).  Sống chỉ chăm vào việc muốn người ta khen ngợi mình là điều khờ dại vì sự vinh hiển con người qua ngắn ngủi(1Phie 1:24).  Được Thiên Chúa khen tặng mới là điều đáng kể hơn.  Nếu chúng ta vì mục vụ mà phục vụ Thiên Chúa(Mac 12:30)”…hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi”.  Thì việc ban cho của chúng ta không cần người khác chú ý.  Kết quả là đời sống thuộc linh tăng trưởng.  Bằng không thì chúng ta tự đánh mất các phước lành và sự ban thưởng và không làm sáng danh Chúa.  Động cơ và cách thực hiện là điều cần chú ý.  Nên nhớ bản chất tội lỗi có thể khiến chúng ta làm oen ố cả công việc tốt lành.
  • Sự Cầu Nguyện (Mat 6:5-15). Cầu nguyện là phương cách Thiên Chúa qui định để thỏa đáp những nhu cầu (Gia-cơ 4:1-3).  Chúa Jesus đưa ra bốn điều để hướng dẫn chúng ta cầu nguyện:
  • Chúng ta phải cầu nguyện nơi kín nhiệm, trước khi cầu nguyện nơi đông người (Mat 6:6).
  • Cầu nguyện công khai nơi thờ phượng không có gì sai(1Tim 2:1), cũng như khi tạ ơn về thức ăn(Giă 6:11)hoặc cầu xin Thiên Chúa giúp đỡ(Giă 11:42; Congv 27:35).  Nhưng nếu chúng ta ưu thích cầu nguyện công khai mà không có thói quen cầu nguyện riêng tư thì cầm phải xem xét lại.
  • Chúng ta phải cầu nguyện cách thành thật(Mat 6:7).  Hết thảy chúng ta thường có lời cầu nguyện theo thói quen, một khi chúng ta bỏ đi lời cầu nguyện ấy, lúc đó chúng ta mới thực sự bắt đầu cầu nguyện.  Phải xuất phát từ tấm lòng khao khát Chúa.
  • Chúng ta phải cầu nguyện theo ý muốn Thiên Chúa(6:9-13).  Mục đích của Chúa Jesus dạy lời cầu nguyện nầy cho chúng ta tránh dùng những lời lặp vô ích và đây là bài cầu nguyện mẫu để chúng ta noi theo.  Cầu nguyện là công cụ mạnh mẽ không phải làm cho ý muốn của con người thành tựu ở trên trời, bèn là để cho ý muốn Thiên Chúa thành tự trên trần gian.
  • Chúng ta phải cầu nguyện với tinh thần tha thứ(Mat 6:14-15). Ngài không dạy rằng con cái Chúa nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa qua việc tha thứ cho người khác, vì điều nầy trái ngược với ân điển và lòng thương xót của Ngài.  Khi chúng ta kinh nghiệm ơn tha tội của Chúa, chúng ta sẽ có tấm lòng sẵn sàng tha thứ cho người khác(Eph 4:32; Col3:13)và điều nầy được minh họa(Mat:21-35).
  • Sự cầu nguyện liên hệ tới gia đình, cộng đồng sống hòa thuận”Cha chúng tôi”.
  • Sự cầu nguyện liên hệ đến việc ca tụng, chúc tang danh Thánh Chúa và lòng mong muốn Nước Ngài mau đến(2Phie 3:12).
Điều quan trọng của sự cầu không chỉ là sự đáp từ Chúa, nhưng là sống như một người mà Thiên Chúa có thể tin cậy và Ngài đáp lời.
  • Sự Kiêng Ăn (Mat 6:16-18).  Kiêng ăn phải thực hiện đúng dắn và với động cơ đúng.  Chúa Jesus và Hội thánh đầu tiên vẫn kiêng ăn(Mat 4:3; Congv13:2).  Kiêng ăn giúp chế ngự lòng thèm muốn của thể xác(lu 21:34).  Nhưng đừng bao giờ để cho sự kiêng ăn thành dịp cho sự cám dỗ(1Cor 7:7). Chúng ta phải dâng chính mình cho Thiên Chúa và tôn thờ Ngài qui vinh hiển cho Ngài.  Nếu như sự kiêng ăn mà tấm lòng(Xa-cha 7:1-14) trống vắng tình yêu và Chúa Thánh Linh thì sự kiêng ăn không có giá trị thuộc linh bền vững.  Giống như sự cầu nguyện sự kiêng ăn được thực hiện nơi kín nhiệm, tức là giữa mình và Thiên Chúa.  Hãy nhớ sự giả hình đánh mất đi thực chất trong nếp sống Cơ-dốc và mất luôn sự ảnh hưởng thuộc linh.
  • Việc Sử Dụng Của Cải (Mat 6:19-34). Chúng ta thường thường có thói quen hay chia cuộc sống làm hai phần.  Phần thiêng liêng và phần vật chất, nhưng theo Chúa Jesus thì không như vậy, Ngài dạy rõ ràng một thái độ đúng với của cải là một dấu hiệu của đời sống thuộc linh chân chính(Lu:13, 16:31).  Trong lòng con người dễ sản sinh sự tham lam lợi dụng tôn giáo để trục lợi, Kinh thánh có nhiều chỗ khuyến cáo chúng ta chống lại thói quen tham tiền(Xuất 20:17; Thi 119:36; Mac 7:22; Lu 12:15; Col 3:5; Eph 5:5).

*    Những nguy cơ cho việc tham tiền:

  • Khiến chúng ta trở nên nô lệ(Mat 19:24); -Làm giảm giá trị(Mat 25:30); -Không làm chứng tốt(Mat 6:31-33); -Đánh mất sự vui thỏa trong hiện tại( Mat 6:34).
Việc xét đoán?  Tự đoán xét mình (Mat 7:1-5).  Chính nếp sống giả hình đã dẫn con người đi đến việc đoán xét người khác.  Nguyên tắc Chúa Jesus dạy: hãy tự đoán xét mình trước vì có những lý do như sau:
  • Chúng ta sẽ bị đoán xét(Mat 7:1; Lu 6:37-38). Có nghĩa là chúng ta sẽ gặt lại những gì mình đã gieo ra.
  • Chúng ta phải nhìn thấy rõ ràng để giúp người khác(Mat 7:3-5).  Mục dích tự xét lấy mình là để chuẩn bị sẵn sàng phục vụ người khác.  Trong mục vụ Cơ-Đốc phải biết giúp đỡ người khác lớn lên trong ân diển.  Khi chúng ta không tự xét lấy mình không những chúng ta làm tổn thương chính mình mà còn làm tổn thương những người chúng ta có thể chăm sóc.  Trong thực tế, đôi khi chúng ta lấy việc chăm sóc người khác làm bình phong che đậy tội lỗi của mình.
  • Khôn ngoan(Mat 7:6).  Là con dân Thiên Chúa chúng ta được vinh dự nắm giữ “những vật thánh”của Ngài.  Trong đó có lẽ thật quí báu trong lời Ngài(2Cor 4:7)và chúng ta cần phải cẩn thận giữ gìn.  Không có thầy tế lễ nào quăng thịt từ bàn thờ cho một con chó bẩn thỉu và chỉ có người dại mới quăng hột trai trước mặt heo.  Chúng ta đem Phúc-âm đến cho mọi người nhưng chúng ta không được bán rẽ Phúc-âm.  Một Cơ-đốc nhân khôn ngoan là biết đánh giá tình trạng lòng người trước khi chia xẻ ngọc châu quí giá.

5/. Chúa Jesus kêu gọi Hãy Xin”sự khôn ngoan từ Thánh Linh(Mat 7:7-12 so sánh Lu-ca 11:11-13).
Những vật tốt từ Thiên Chúa ban cho(7:7-11).   Chúng ta phải cầu xin và tìm kiếm sự khôn ngoan với sự chỉ dẫn Ngài. “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho” (Gia-cơ 1:5). Vua Sa-lô-môn xin sự khôn ngoan(1Cac3:3).  Đẻ có khả năng phán đoán thuộc linh, chúng ta phải kiên trì cầu xin, tìm kiếm ý chỉ của Ngài và Chúa đẹp lòng Ngài sẽ đáp ứng nhu cầu.
Nguyên tắc chỉ đạo(Mat 7:12).  Nguyên tắc nầy được gọi là “luật vàng”, người ta thường hiểu sai về câu nầy.  Có ý cho rằng đâu là sự tóm tắt toàn bộ chân lý Cơ-đốc giáo, đây không phải là kế hoạch của Thiên Chúa cứu chuộc loài người.  Đây là sự hường dẫn thái độ của chúng ta đối với người khác.
Khôn Ngoan - Nền Tảng Nhận Diện(7:13-20).
  • Hai con đường(Mat 13-14).  Chúng ta không nên phán đoán phương diện thuộc linh trên con số thống kê, đa số không phải lúc nào cũng đúng.  Sự kiện mọi người đều làm như vậy không phải là bằng chứng cho thấy những gì họ làm là đúng.
  • Sự thật thì con dân Chúa thường là phần sót lại, một thiểu số nhỏ nhoi trong thế gian nầy. Con đường hẹp là cuộc sống cô đơn và trả giá.
  • Hai thứ cây(Mat 7:15-20).  Cho thấy đức tin thật nơi Chúa làm thay đổi đời sống và sinh bông trái trái làm vinh hiển danh Chúa.  Hãy tự kiểm chứng lại mình coi có thay đổi chưa?
  • Hai con đường là khởi đầu cho đới sống đức tin và lớn lên như hai loại cây sanh bông có kết quả và bây giờ cho thấy có hai loại người.
  • Hai loại người(Mat 7:21-29).  Thật dễ dàng học biết một số từ ngữ tôn giáo cách thuộc lòng, thậm chí nhờ nhiều câu Kinh thánh và nhiều bài thánh ca, nhưng không hề biết làm theo ý Chúa.  Lời nói không thể thay thế cho việc vâng lời, cả đến những sinh hoạt tôn giáo, có thể làm nhiều dấu kỳ phép lạ để lừa dối người khác(2Tes 2:7-12).
  • Chúng ta phải nghe lời Thiên Chúa và làm theo(Gia-cơ 1:22-25).  Điều chúng ta nghe phải được kết quả trong hành động. đây là việc người khôn cất nhà mình trên hòn đá.  Sự vâng lời là bằng chứng của đức tin thật(Gia-cơ 2:14).
6/. Những minh họa về đức tin (Heb 11-12:3):
*  Khái niệm đức tin:
Đức tin là thực chất, là bảo đảm của những điều ta hy vọng và là bằng chứng của những việc ta không xem thấy.   Nhờ đức tin các vị tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám lời chứng tốt về họ.  Bởi đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ được hình thành bởi Lời Đức Chúa Trời; do đó những vật hữu hình ra từ những sự vô hình.
*  Minh  họa đức tin của các nhân vật xưa:
a/. Cá nhân: -Ông A-bên vị tiền nhân đã dâng lên Đức Chúa Trời một hy lễ cao quý hơn lễ vật của Ca-in. Nhờ tin như vậy, ông được chứng nhận là người công chính bởi Đức Chúa Trời chấp nhận các lễ phẩm của ông kính dâng; Và cũng nhờ tin như thế, mà tuy đã chết rồi, ông vẫn còn lên tiếng. 
Khi nói đến việc dâng hiến cũng có nghĩa là sự thờ phượng phải lẽ là làm Thiên Chúa vui lòng chấp nhận.  “Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần linh và lẽ thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Đức Chúa Trời như thế.  Thiên Chúa là thần linh, và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần linh và lẽ thật.”(Giăng 4:23-24).  Chắc chắn ông A-bên không hề biết về một nguyên tắc dâng hiến cụ thể nào khi thờ phượng Thiên Chúa, ông A-bên chỉ có đức tin bày tỏ lòng tận hiến khi dâng của lễ tốt nhất cho Thiên Chúa hơn Ca-in. Ngày nay, một số số nơi đưa ra các tiêu chuẩn, luật định và những trói buộc về các khoản dâng hiến khiến cho những người có đức tin chưa trưởng thành khiến họ thối lui!  Một chị kia sau khi đi định cư bên Hoa kỳ về kể lại rằng:” Người (mục sư)Tin Lành khôn lắm?  Họ giúp đỡ mình một thời gian ngắn thôi(thời gian mới qua) nhưng họ bắt mình phải dâng hiến cho họ cả đời bằng 1/10 trong các của cải mình có được!”. 
Sự dâng hiến từ tấm lòng của người tín hữu thật sự muốn thờ phượng Thiên Chúa mà bày tỏ, chứ không là sự bắt buộc, chúng ta nên hướng họ vào đức tin thì tự nhiên họ bày tỏ sự thờ phượng thật nơi Thiên Chúa.

  • Nhờ đức tin tiền nhân Hê-nóc được đem đi nơi khác để khỏi chết, và người ta không tìm thấy ông nữa, bởi vì Đức Chúa Trời đã cất ông lên. Quả thật, Kinh Thánh chứng nhận rằng: Trước khi được cất lên, ông đã được chứng nhận là người có đời sống đức tin làm đẹp lòng Đức Chúa Trời; người nào không có đức tin thì người đó sống không thể nào đẹp lòng Đức Chúa Trời vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin Ngài hiện hữu và tưởng thưởng những ai hết lòng tìm kiếm Ngài.
Hê-nóc đang sống giữa những con người có thể xác hay chết, họ không hề tin có sự hiện hữu của Đấng Tạo hóa và họ không nương cậy vào Ngài.  Hê-nóc có đức tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa trên cuộc đời ông và ông đã tìm kiếm Ngài và đã gặp Ngài(2Sam 15:2).  Cũng vậy,  có nhiều tín hữu có một đời sống không hề bày tỏ rằng họ đang tin Đức Chúa Trời hiện hữu nên nhiều người đã có những hành vi bất chính trong mọi việc họ làm.  Tuy rằng vẫn đi nhà thờ hằng tuần nhưng họ không có một đức tin thật vì “nhìn trái sẽ biết cây”.  Những người vô tín nầy, rất nguy hiểm vì họ có thể làm bất cứ chuyện gì khi họ muốn làm là họ làm.  Chúng ta nhìn những đứa trẻ không cha mẹ chúng nó vô cùng “ mất dại” liều lĩnh, gây cho cộng đồng không biết bao là những chuyện khó mà nói hết!

  • Đời sống đức tin của Nô-ê được Thiên Chúa vui thỏa nên ông được cảnh cáo về những việc người thế giới lúc bấy giờ chưa thấy; vì có lòng kính sợ Thiên Chúa nên ông vâng lời Thiên Chúa phán bảo mà vội vàng đóng một chiếc tàu để cứu gia đình mình; nhờ đức tin đó, ông đã lên án mọi kẻ sống trong thời kỳ nầy và trở thành người thừa kế phần gia nghiệp là sự công chính nhờ đức tin.
Là những người cha người mẹ, chúng ta đang suy nghĩa gì về gia đình của mình? Nô-ê kính sợ Chúa nghe theo lời Ngài để cứu gia đình mình.  No-ê đã làm một việc là lo cho gia đình có sự cứu rỗi, đồng thời cũng là thầy giảng đạo công bình cho thế giới lúc bấy giờ (2Phie 2:5).
Mục sư ngày nay đang làm gì cho Hội thánh? Một số mục sư từng giảng dạy cho hội chúng:” hãy lo cho linh hồn, hãy cất của cải vào chỗ không tên rét…”.  Nhưng khi nhìn lại của cải bất động sản và nhiều thứ phương tiện mà các vị ấy đang có hơn hẳn các tín hữu trong Hội thánh của họ.  Họ còn lớn tiếng khẳng định rằng ấy là phước Chúa ban?  Thử hỏi một người tìm kiếm Chúa và lo cứu linh hồn tội nhân thì làm sao có của cải tại thế nhiều vậy? Nếu như họ đã không phân chia gia sản mình có cho kẻ nghèo?(Mat 19:16-30; Mac 10:17-31Lu 18:18-30).
  • Bởi đức tin, Y-sác chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những việc tương lai.  Bởi đức tin, Gia-cốp chúc phước cho mỗi con trai của Giô-sép lúc gần qua đời và dựa trên gậy mình mà thờ lạy. Bởi đức tin, Giô-sép nói trước về việc con cháu Y-sơ-ra-ên sẽ xuất hành và ra chỉ thị về hài cốt mình lúc sắp lâm chung.
  • Bởi đức tin, Môi-se khi mới sinh, được cha mẹ che giấu đi ba tháng vì thấy con khôi ngô, không sợ cấm lệnh của vua.  Bởi đức tin, Môi-se lúc đã khôn lớn, từ khước tước vị con trai công chúa Pha-ra-ôn,  thà chịu bạc đãi với con dân Đức Chúa Trời trong một thời gian còn hơn thụ hưởng khoái lạc tội lỗi. Ông coi sỉ nhục vì Chúa Cứu Thế là quý hơn châu báu Ai-cập vì ông trông đợi được tưởng thưởng mai sau.  Bởi đức tin, ông rời Ai-cập, không sợ vua giận, vì ông kiên trì như thấy Đấng không ai thấy được.  Bởi đức tin, ông cử hành lễ vượt qua và sự rảy huyết để kẻ hủy diệt không hại đến các con đầu lòng của dân mình.
Tôi còn nói gì nữa? Nếu kể chuyện Ghi-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên và các tiên tri của Chúa thì không đủ thì giờ. Nhờ đức tin, họ đã chiến thắng các vương quốc, thi hành công lý, được các lời hứa, bịt miệng sư tử, tắt đám lửa hừng mãnh liệt, thoát khỏi lưỡi gươm, đang yếu đuối trở nên mạnh mẽ, biến thành dũng sĩ trong cuộc chiến tranh, đánh tan quân đội ngoại quốc. Có những phụ nữ nhận được người nhà đã chết rồi sống lại; có những người chịu tra tấn mà không muốn được giải cứu để được sự sống lại tốt hơn. Những kẻ khác chịu đựng sỉ nhục nhạo cười và roi vọt, những người kia chịu xiềng xích, lao tù. Họ bị ném đá, cám dỗ, cưa làm đôi, chém chết bằng gươm, họ lưu lạc, mặc áo bằng da cừu, da dê, chịu túng ngặt, bị bắt bớ và bạc đãi đủ điều. Thế gian không xứng đáng cho họ sống, họ phiêu lưu giữa sa mạc, trên núi thẳm, trong hang động và hầm hố dưới đất.
Nhờ đức tin tất cả những người ấy đều được chứng nhận nhưng vẫn chưa nhận lãnh điều Chúa hứa. Nhưng Đức Chúa Trời đã tiên liệu điều tốt lành hơn cho chúng ta, hầu cho ngoài chúng ta, họ không thể nào được toàn hảo.
b/. Gia đình:
  • Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã nghe tiếng Chúa gọi ông phải đi đến một nơi và nơi đó ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp.  Áp-ra-ham thể hiện đức tin qua việc ông vâng lời Chúa gọi và ông ra đi dù chẳng biết mình đi đâu. Ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như Y-sác và Gia-cốp, là những người đồng thừa kế cùng một lời hứa ấy, Vì ông mong đợi một thành phố có nền móng do Đức Chúa Trời thiết kế và xây dựng.  Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng hiến Y-sác làm sinh tế khi bị Chúa thử nghiệm. Ông sẵn sàng dâng hiến con một của mình, dù đứa con đó chính là lời hứa ông đã nhận. Vì Đức Chúa Trời  đã phán bảo ông: “Từ Y-sác, con sẽ có một dòng dõi mang tên con.” Vì kể rằng Đức Chúa Trời có khả năng khiến kẻ chết sống lại, nên theo nghĩa bóng Áp-ra-ham đã nhận lại con mình từ cõi chết. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng.  -Bởi đức tin, vợ của Áp-ra-ham là bà Sa-ra dù hiếm muộn và tuổi đã quá cao vẫn nhận được năng lực thụ thai sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao vì bà cho rằng Đấng đã hứa cũng giữ đúng lời hứa. Vì thế, chỉ một người coi như đã chết, lại sinh ra con cháu đông như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể đếm được.
c/. Cộng đồng hội chúng:
  • Bởi đức tin, dân Y-sơ-ra-ên đi qua Hồng Hải như đi trên đất khô cạn, còn người Ai-cập lại bị chết chìm trong khi tìm cách rượt theo.
  • Bởi đức tin, các tường lũy Giê-ri-cô sụp đổ sau khi dân sự Chúa đi vòng quanh bảy ngày.  Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp không chết với những kẻ vô tín, vì nàng đã hoà nhã tiếp đón các thám tử do thám
    Tất cả những tiền danh nhân đó đều chết lúc vẫn còn trong đức tin, mặc dù chưa nhận được những điều Chúa hứa, chỉ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ đàng xa, nhìn nhận mình là người xa lạ và lữ khách trên mặt đất.  Những người nói như thế minh định rằng họ đang tìm kiếm một quê hương.  Nếu còn nhớ đến quê cũ là nơi họ đã ra đi, tất họ cũng có cơ hội trở về. Trái lại, họ mong ước một quê hương tốt hơn, là quê hương ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn khi được gọi là Đức Chúa Trời của họ vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành phố.
    Vậy nên, vì chúng ta có được ngần ấy nhân chứng đức tin như một đám mây rất lớn bao quanh, hãy vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương đang trói buộc, hãy kiên trì chạy trong cuộc đua đã dành sẵn cho mình. Hãy chú tâm, hướng về Đức Giê-su là Đấng Tác Giả và hoàn thành của đức tin. Vì niềm vui mừng đặt trước mặt, Ngài chịu đựng thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, nên được ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời.  Hãy suy nghiệm về Đấng đã đương đầu với sự chống đối của những kẻ tội lỗi như thế để anh chị em khỏi mệt mỏi, ngã lòng. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.

Kết Lại:

    Hãy tập trung về linh hồn con người đừng chú tâm về của cải, phương tiện và những gì thuộc về thế gian hư mất! Có thể hoạn nạn, nghịch cảnh sẽ xảy ra nhưng rốt lại nó là những phước hạnh của Thiên Chúa(Mat 5:3-11).  Chắc chắn Chúa sẽ sẽ phấn hưng trên gia đình bạn và Hội thánh.
    Chúa Jesus đã đến giữa vòng con người để tìm kiếm chúng ta, Ngài ban ân điển và đức tin để chúng ta nhận sự sống vĩnh hằng, không phải chúng ta có năng quyền Thánh Linh để giàu có trong thế giới mà Ngài định cho sự hủy diệt.
    Cảm ơn Chúa Jesus! Nếu Ngài không thương xót hy sinh và ban ân điển với quyền năng tái tạo từ Thánh Linh thì chúng ta có thể cũng không tránh khỏi sự đại ác nầy.  Thật, sự bình an của Ngài vượt quá sự hiểu biết của chùng ta.
Mục sư Lê Quí Hữu


0


Theo dõi: Blogspot | Facebook | Twitter | Google+

Đăng bởi Tin Lanh Mennonite on 00:42. Chuyên Mục , . Chào mừng quí vị đã đến với Blog's của David Nguyễn. Nếu thấy nội dung blog's có ích cho quí vị xin vui lòng chia sẻ nó cho những người khác. Xin chân thành cảm ơn! Davidnguyen. Mọi thắc mắc, góp ý xây dựng xin liên hệ! tại đây.

0 nhận xét for Khảo Cứu sách Rô-ma và Ga-la-ti (Phần Kết Nối qua chương II)

Đăng một nhận xét

BÀI MỚI

NHẬN XÉT MỚI

MEDIA

TIN TỨC

...

LÊN ĐẦU TRANG